Thông báo tuyển công chức ngành giáo dục cho các trường công lập của Hà Nội năm 2012 lại làm dư luận nóng lên về vấn đề tuyển công chức hệ chính quy mà trước đó đã có một vài tỉnh tiên phong. Sở GD-ĐT Hà Nội còn mạnh dạn hơn khi khẳng định quan điểm: Chỉ tiếp nhận hồ sơ dự tuyển của những người tốt nghiệp hệ chính quy của các trường Đại học công lập.  
giao-vien.jpg
Sở GD-ĐT Hà Hà Nội vừa công bố chỉ tuyển giáo viên học hệ Đại học chính quy

Thông báo không tuyển công chức học tại chức của các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Nam Định… và mới đây là Hà Nội chỉ tuyển giáo viên học đại học hệ chính quy làm dư luận “nóng”, trước hết bởi đây là việc từ trước đến nay ít nơi dám làm. Vì thế tất nhiên, nó đã tạo ra các luồng ý kiến trái chiều.

Việc chỉ tuyển giáo viên học hệ đại học chính quy cũng cho thấy, ngành giáo dục đang tự nhận ra những bất cập, hạn chế trong công tác dạy và học hiện nay. Chính ngành giáo dục-nơi đào tạo ra những cử nhân tại chức tương lai, lại từ chối nhận những “sản phẩm”  của chính mình, ắt hẳn phải có lý do thích hợp.

Thật không phải ngẫu nhiên mà một số tỉnh và Hà Nội lại có quyết định này. Qua thực tế nhiều năm, nhiều cơ quan Nhà nước đã đúc rút được chất lượng thực sự của công chức được đào tạo qua hệ Đại học chính quy so với tại chức. Tất nhiên, không nên “vơ đũa cả nắm”, vì có nhiều người học tại chức nhưng năng lực của họ vượt trội so với những người được đào tạo chính quy, bài bản. Tuy nhiên, đây chỉ là hiện tượng không mang tính phổ quát.

Nhưng nhìn chung, đối với hệ tại chức, chất lượng đầu vào còn quá thấp so với hệ chính quy. Đa số những người học tại chức là do không thi đỗ vào hệ đại học chính quy. Phần lớn trong số này lại là những người vừa đi làm vừa đi học, họ không có thời gian hoặc có rất ít thời gian để dành cho việc học.

Mặt khác, việc đào tạo tại chức hiện nay còn khá “nhộn nhạo”. Giữa thầy và trò không có sự gắn kết, thầy dạy cho xong giờ, trò học cho xong việc. Nếu trò bận đi làm thì nhờ người điểm danh hộ, thậm chí có nhiều người mỗi khi đến kỳ thi mới thấy xuất hiện.

Trong lớp học, thầy giáo may ra chỉ nhớ mặt được những người làm cán sự lớp- cầu nối thông tin giữa thầy giáo và cả lớp mỗi khi đến kỳ thi. Và sau mỗi khóa học, hầu như ai cũng tốt nghiệp ra trường một cách khá dễ dàng, hãn hữu lắm mới có trường hợp phải học lại, thi lại.

Không chỉ riêng hệ tại chức, ngay cả với nhiều trường Đại học, việc đào tạo hệ chính quy cũng còn nhiều bất cập, bởi thực tế đầu vào và đầu ra chưa tương thích. Các trường ồ ạt tuyển sinh cho đủ chỉ tiêu. Hầu hết sinh viên sau khi tốt nghiệp Đại học, đều có tấm bằng khá, giỏi, nhưng trong số này, người thực sự xin việc được đúng chuyên ngành đào tạo lại không nhiều.

Không những thế, việc các trường Đại học ồ ạt xin giấy phép thành lập, mở thêm hệ này, hệ kia, đua nhau dạy tại chức, tín chỉ…  Kết quả là đã cho “ra lò” những thế hệ cử nhân khập khiễng, tấm bằng của họ có khi chỉ là một vật trang sức, làm đẹp thêm hồ sơ khi đi xin việc.

Nói như vậy không có nghĩa là đổ lỗi hoàn toàn cho khâu đào tạo, có một nguyên nhân chủ quan nữa chính là do việc tuyển công chức ở nhiều nơi hiện nay. Đó là việc còn quá coi trọng tấm bằng Đại học mà chưa chú ý đến chất lượng đào tạo. Thế mới có chuyện nhiều người bằng mọi cách để có được tấm bằng Đại học, kể cả là tại chức hoặc “nâng cấp” bằng lên cao hơn nữa để hợp lý hóa công việc, để có cơ hội được cất nhắc lên vị trí cao hơn… Khi đã có cung về học thì tất nhiên sẽ có cầu, đó là việc các trường đua nhau mở thêm các hệ đào tạo để làm thỏa mãn nhu cầu “học tập” của nhiều đối tượng.

Không phải vô cớ mà ngành giáo dục lại phân chia ra các hệ đào tạo: chính quy, tại chức, học theo tín chỉ… Sự phân chia đó cũng là để phù hợp với điều kiện và năng lực theo từng nhóm đối tượng. Đó cũng là để tạo điều kiện cho tất cả mọi người được học tập phù hợp với năng lực của mình.

Trở lại việc ngành giáo dục Hà Nội nói không với sinh viên tại chức, thời nào cũng thế, nghề giáo luôn là một nghề vô cùng cao quý. Người làm thày phải là thành phần ưu tú của xã hội và cần được đào tạo một cách bài bản. Chủ trương của Hà Nội là phù hợp với yêu cầu và thực trạng giáo dục hiện nay.

Đặt điều kiện như vậy, ít ra bước đầu cũng giúp Sở Giáo dục Hà Nội chọn lọc được đối tượng dự tuyển.  Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là làm sao thi tuyển được công  khai, minh bạch, để Hà Nội thực sự chọn được những người thày có tài và có tâm./.