Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có Chỉ thị về việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học. Theo đó, đối với các trường và lớp dạy học 2 buổi 1 ngày, nghiêm cấm giao bài tập về nhà cho học sinh; Không tổ chức thi học sinh giỏi đối với học sinh tiểu học; Không tổ chức các đội tuyển tham gia các hoạt động giao lưu, các “sân chơi” trí tuệ; Không tổ chức khảo sát học sinh đầu năm học, không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 6….
Các quy định này đang tạo ý kiến trái chiều trong dư luận. VOV.VN phỏng vấn Giáo sư Trần Hải Linh, Giảng viên Đại học Inha (Hàn Quốc) về vấn đề này.
PV: Ông đánh giá như thếnào vềcác quy định mà Bộ GD-ĐT vừa ban hành trong Chỉ thỉ về việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học?
GS Trần Hải Linh: Theo tôi, chương trình giáo dục tiểu học của Việt Nam còn khá nặng đối với lứa tuổi này. Chương trình yêu cầu học sinh hấp thụ thật nhiều kiến thức tổng quát. Bên cạnh đó, học sinh còn phải học thêm ngoài giờ học ở trường, đôi khi học sinh còn phải học sao cho đủ đạt “thành tích”, đáp ứng theo yêu cầu của nhà trường, thầy cô.
PV: Việc không giao bài tập vềnhà, không tổ chức các sân chơi cho học sinh Tiểu học, nhất là đối với học sinh cuối cấp, liệu có khuyến khích và phát huy khả năng của các em?
GS Trần Hải Linh: Việc không giao thêm bài tập về nhà để không làm tăng “gánh nặng” học tập cho học sinh là điều cần thiết. Tuy nhiên, đối với những học sinh cuối cấp 1, nhà trường có thể có những phương thức trao đổi với phụ huynh về tình hình học tập của con em mình và có thể phụ đạo miễn phí, nếu giáo viên cảm thấy thực sự điều đó là cần thiết cho học sinh.
Giáo dục tiểu học ở nước ngoài thì theo kiểu “chơi để học, học mà như chơi, nhưng lại rất hiệu quả”. Do vậy, theo tôi nên làm sao tổ chức thêm các sân chơi trí tuệ cho các học sinh cuối cấp, chứ không nên cấm hoàn toàn học sinh tiểu học tham gia các sân chơi trí tuệ, và “sân chơi” phải đúng nghĩa là “sân chơi”, không phải là nơi để chứng minh cháu này hơn cháu kia, hoặc đội tuyển trường này tốt hơn đội tuyển trường kia.
PV:Ở Hàn Quốc, trẻ em Tiểu học được đào tạo có những khác biệt như thếnào so với ở Việt Nam?
GS Trần Hải Linh: Ở Hàn Quốc thì học sinh bắt đầu đi học lớp 1 khi đã 7 tuổi, và lớp học tiểu học bắt đầu từ 9h đến 15h, sau mỗi tiết 45 phút thì học sinh được nghỉ 15 phút, sau 2 tiết học sẽ được nghỉ khoảng 20 phút.
Chương trình học ở đây gồm có các môn Toán, Khoa học, Công nghệ, Nghệ thuật, Xã hội học, Giáo dục thể chất, tiếng Anh... Các môn học cũng hoàn toàn không phải áp dụng 100% trên sách giáo khoa mà học sinh sẽ được học thông qua nhiều hình thức khác nhau.
Sau giờ học trên, các gia đình có thể đăng ký cho con tham gia các chương trình phát triển và ngoại khóa ngoài giờ, tùy theo độ tuổi với các môn như: ngoại ngữ, thể dục nhịp điệu, bóng đá, võ thuật, khiêu vũ, múa hiện đại… để phát triển kỹ năng cá nhân.
Các trường tiểu học ở Hàn Quốc còn rất chú ý tạo môi trường vui chơi và rèn luyện thân thể, sức khỏe bằng cách trang bị các sân vận động nhỏ với “không gian xanh”, lắp đặt các thiết bị thể dục ngoài trời, đu dây, đu xà, cầu trượt... trong khuôn khổ sân chơi sạch sẽ và an toàn của trường.
Ở những trường học kiểu này thì các cháu học rất thoải mái, theo đúng sở thích, hứng thú và không hề bị gò ép theo khuôn phép. Trong trường học thì mỗi học sinh sẽ có 1 hộc tủ để bỏ sách vở và đồ cá nhân của mình ở trong đó, học xong là học sinh đã có thể sắp xếp và cất vào đó, rất ít khi phải cầm sách vở cho toàn bộ các môn học đi về nhà.
Hàng tháng, học sinh có thể được sắp xếp tham gia các chuyến đi dã ngoại tại các khu du lịch sinh thái, khu vui chơi giải trí dành cho trẻ em, các khu nông trại, trang trại ... để cho các em thêm hiểu về môi trường xung quanh, về thiên nhiên và phát triển thêm các kỹ năng cho riêng mình.
PV:Theo ông, những “lệnh cấm” mà BộGiáo dục và Đào tạo vừa ban hành liệu có khả thi trong tình hình hiện nay ở Việt Nam?
GS Trần Hải Linh: Chỉ thị trên cho thấy quyết tâm của lãnh đạo Bộ trong việc dừng việc dạy thêm, học thêm. Tuy nhiên, Chỉ thị có được thực hiện đúng hay không thì lại là một vấn đề hoàn toàn khác.
Trước đây, theo tôi được biết thì Bộ đã nghiêm cấm việc tổ chức dạy thêm – học thêm ở bậc Tiểu học, nghiêm cấm hoàn toàn các trường tổ chức dạy thêm trong trường, còn giáo viên không được tổ chức dạy thêm tại nhà.
Tuy nhiên, tình trạng dạy thêm và học thêm vẫn cứ tiếp tục tái diễn. Thầy cô giáo đôi khi đưa ra lý do học sinh học yếu, tiếp thu chậm, không theo kịp các bạn để gợi ý cho con học thêm ban đêm ở nhà thầy cô. Nhiều phụ huynh vì lo sợ con mình “không bằng bạn” hay sợ thầy cô liệt vào “danh sách đen” rồi không quan tâm đến con.
Mặt khác do chương trình học còn nặng, phụ huynh và gia đình không thể có thời gian giúp con ôn bài, hay không thể theo được chương trình học của con nên đành phải “gửi gắm” con em mình tới những lớp học thêm, và đành phải chấp nhận cho con đi học thêm buổi tối tại nhà thầy cô dù biết như vậy cả gia đình và con sẽ vất vả thêm.
Ngoài ra, tâm lý của phụ huynh thường mong muốn con em mình học trường điểm, trường tốt, trường chuyên lớp chọn, do vậy học sinh chỉ học chương trình trong sách giáo khoa thôi chưa đủ, các em vẫn phải đến các lớp luyện thi ở ngoài trường để bổ sung kiến thức, học ngày học đêm để đạt mục tiêu và ước vọng của phụ huynh. Thế nên, khi đã có cầu thì ắt hẳn có cung, đó là điều hoàn toàn có thể lý giải.
Vấn đề này sẽ vẫn còn diễn ra bởi nguyên nhân chính là mức lương của giáo viên hiện tại chưa đủ đáp ứng cho nhu cầu cuộc sống, và do chương trình cho học sinh tiểu học vẫn còn nặng nề đối với các cháu, và cũng do chính cách suy nghĩ của gia đình và các bậc phụ huynh.
Do vậy, để đổi mới giáo dục và để Chỉ thị này mang tính khả thi cao thì điều đầu tiên phải thay đổi đó là tư duy suy nghĩ của nhà trường, của thầy cô lẫn cha mẹ, để sao cho lũ trẻ được “học vừa đủ”, được vui chơi và cảm nhận cuộc sống, được phát triển kỹ năng cá nhân, chứ không phải là suốt ngày được “lăn lộn” trong đống sách vở.
PV: Xin cảm ơn ông./.