Con đường đưa chúng tôi vào huyện Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu) ngoắt ngoéo dốc lên dốc xuống đến chóng mặt. Mỗi khi vào những đoạn dốc cua tay áo trong cái không gian mù mù sương phủ càng làm tăng cảm giác ớn lạnh trên đường. Cuối cùng, chúng tôi  cũng đã tới “đích”: Trường Phổ thông nội trú THCS Ma Quai.

hoc-sinh-1.jpg
Học sinh trường Phổ thông nội trú THCS Ma Quai

Sân trường tràn nhập không khí tưng bừng, náo nức để chuẩn bị cho khánh thành Nhà bán trú dân nuôi. Ngồi cạnh tôi là một cô bé người H’Mông xinh xắn. Cô bé tự giới thiệu: “Em tên là Giàng Thị Sông. Năm nay, em học lớp 6 rồi”.

“Thế nhà em ở đâu, có xa trường không? – tôi hỏi.

“Trước đây, nhà em ở Than Chi Hồ cơ, nhưng bố hút thuốc bị bắt đi tù rồi, ông bà nội không cần chúng em nữa. Mẹ phải đưa 3 chị em về nhà ông bà ngoại ở bản Can Tỉ 2. Đấy là bản xa nhất của xã Ma Quai, cách trung tâm xã 20 km cơ”.

Kể đến đây, cô bé hồn nhiên cất giọng trong trẻo hát cho tôi nghe bài hát học sinh dễ thương “Nào cùng kết đoàn”.

Những năm trước, khi trường chưa có Nhà bán trú, đôi bàn chân nhỏ của Sông phải đi bộ mất hơn nửa ngày trời qua núi, qua suối mới tới được trường. Cũng như Sông, những học sinh khác ở khá xa trường như cậu bé Vàng A Câu, người dân tộc Mông, học lớp 7A1 cũng ở tận bản Can Tỉ 2, cách trường hơn 20km hay cậu bé dân tộc Dao Chẻo A Sếnh thì nhà ở bản Nậm Mạ Dao, cách trường khoảng 8km…

Đường đến trường của những học sinh người dân tộc này không chỉ xa mà còn đầy những nguy hiểm và rủi ro do địa hình hiểm trở, khó đi lại nhất là khi thời tiết khắc nghiệt.

“Giờ có Nhà bán trú dân nuôi rồi, em được ở nội trú luôn. Mỗi tuần, em chỉ về thăm nhà được một lần thôi vì còn 2 em nhỏ vẫn ở nhà với ông bà ngoại. Giờ có nhà để ở, đầy đủ chăn gối ấm áp, nhà nước lại cho tiền để ăn, em chỉ phải lo học cho giỏi thôi” – cô bé Sông nói.

Khu nhà bán trú dân nuôi nơi Sông cùng 130 bạn khác đang ở mới được xây dựng cách đây chưa lâu bằng nguồn vốn thực hiện chương trình 30a do Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) hỗ trợ cho huyện Sìn Hồ. Có nhà mới, ai ai cũng náo nức, phân công nhau công việc. Bé thì làm việc nhỏ như quét nhà, dọn dẹp. Lớn thì phụ trách khâu bếp núc.

Nhờ có nhà bán trú, học sinh trường Phổ thông nội trú THCS Ma Quai được ăn, nghỉ ngay tại trường.

Hằng ngày, các giáo viên thay phiên nhau giúp các em nấu ăn, vừa để điểm danh, vừa giúp cân chỉnh lượng thức ăn. Nhìn khu bếp ngăn nắp, sạch sẽ cũng đủ thấy thầy và trò dồn công chăm sóc nhà của mình thế nào.

 Cô giáo Hiền chia sẻ: “Nhà bán trú này có nội quy cẩn thận, quy định giờ ăn giờ ngủ, tiết kiệm điện nước, thời gian hoạt động thể thao, văn nghệ… Các em rất tự giác thực hiện những quy định này. Có nơi ăn chốn ở, học sinh yên tâm đến lớp. Bố mẹ các em yên tâm làm ăn. Thầy cô cũng yên tâm hơn với sự nghiệp trồng người. Cơ sở vật chất của Nhà trường cũng được cải thiện phần nào. Nhà bán trú dân nuôi mà Tập đoàn VNPT hỗ trợ xây dựng có ý nghĩa rất lớn với chúng tôi”.

Việc giảng dạy-học tập thuận lợi hơn rất nhiều

Một giáo viên khác của trường cho chúng tôi biết, trước đây, chưa có Nhà bán trú dân nuôi này, việc “quản” học sinh của trường cũng rất vất vả. Trường hiện có 18 giáo viên. Do toàn bộ 234 học sinh của trường đều là người dân tộc Lự, H’Mông, Dao, Giáy… nên các thầy cô cũng phân chia phụ trách từng địa bàn. Mùa làm nương hay gần Tết, học sinh nghỉ nhiều, các thầy cô phải đến tận xã vận động. Giờ điều kiện ổn định hơn, chỉ trừ những gia đình neo đơn quá, còn lại học sinh đã đến lớp đều. Năm nay, trường duy trì được sĩ số.

“Duy trì được sĩ số” – nghe thoạt đơn giản, nhưng là nỗ lực qua nhiều năm với nhiều sáng tạo vượt khó khăn của thầy cô giáo và chính quyền xã Ma Quai. Ngày trước, Ma Quai chỉ là điểm trường của trường THCS xã Lùng Thàng.

Đường vào điểm trường y như đường đi làm nương. Mùa nào cũng khó đi. Đến các thầy cô bám trường cũng phải vất vả lắm. Giờ tách ra thành xã Ma Quai, đường đang được làm nhưng còn ngổn ngang đất cát đá hộc, đi đến đâu máy công trình vẹt đất mở đường đến đó. Bên cạnh ngôi trường cũng mới xây ít lâu, khu nhà nội trú 6 gian tạo cơ hội cho 130 em học sinh đảm bảo sức khỏe, an toàn cho các em, và bước đầu đáp ứng nhu cầu tối thiểu.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch xã Ma Quai chia sẻ: “Các em học sinh không còn phải ở trong nhà tranh vách nứa, cũng không còn phải xuống ở nhờ nhà bà con dưới bản nữa”.

Cụm nhà Bán trú dân nuôi xã Ma Quai được khởi công xây dựng từ năm 2011 với tổng giá trị hơn 1,1 tỷ đồng và đến nay vừa mới được đưa vào sử dụng.

Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Lai Châu Vương Văn Thành cho biết, theo kế hoạch triển khai Nghị quyết 30a của Chính phủ, tổng mức kinh phí mà Tập đoàn VNPT hỗ trợ dành riêng cho việc xây dựng 17 nhà bán trú dân nuôi ở các trường học của tỉnh là 21.600 tỷ đồng. Trong đó, riêng ở Sìn Hồ sẽ có tổng cộng 9 nhà bán trú dân nuôi được xây dựng. Tiến độ đến nay đã hoàn thành vào đưa vào sử dụng 14 nhà, còn 3 nhà đang tiến hành xây dựng dự kiến hoàn thành trong năm 2013.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Vương Văn Thành nhấn mạnh, những hỗ trợ của VNPT trong thời gian qua đã góp phần thiết thực giúp người dân các huyện nghèo của Lai Châu cải thiện cuộc sống. Đặc biệt là việc xây dựng các Nhà bán trú dân nuôi và hỗ trợ tiền học cho những học sinh người dân tộc Mảng ở Sìn Hồ đã tạo điều kiện cho các em đến trường, đến lớp chuyên cần hơn.

Nhìn khu nhà bán trú của trường Phổ thông nội trú THCS Ma Quai vừa được khánh thành, Chủ tịch xã Ma Quai lại ao ước rằng, rồi tới đây sẽ có thêm các Mạnh Thường Quân như Tập đoàn VNPT cũng hỗ trợ xã ông xây nhà nội trú cho các cháu cấp Tiểu học, để trẻ nhỏ có điều kiện đi học tốt hơn./.