Theo Chương trình, Bộ yêu cầu các trường ĐH, CĐ phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện các chính sách tín dụng đào tạo; sửa đổi, bổ sung đối tượng học sinh sinh viên được miễn, giảm học phí, học bổng chính sách, trợ cấp xã hội…
Cùng với đó, chủ động tìm kiếm các giải pháp, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, nhà hảo tâm để giúp đỡ học sinh sinh viên khó khăn về kinh tế, không để học sinh sinh viên phải bỏ học vì không có tiền đóng học phí và đảm bảo cuộc sống tối thiểu. Đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm; tư vấn, hỗ trợ học sinh sinh viên về phương pháp học tập, kỹ năng xã hội, kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu thực tiễn công việc sau khi tốt nghiệp…
Chương trình cũng quan tâm đến việc tăng cường giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho học sinh sinh viên. Triển khai có hiệu quả, sáng tạo việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh gắn với đặc thù của ngành Giáo dục; Giáo dục chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cho học sinh sinh viên theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh gắn với chuẩn đầu ra của mỗi ngành, nghề đào tạo; Tiếp tục tổ chức thi Olympic các môn lý luận Chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng và môn Giáo dục Chính trị cho học sinh các trường trung cấp chuyên nghiệp…
Chương trình Công tác học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp giai đoạn 2012-2016 nhằmgóp phần đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế; Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt coi trọng công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành pháp luật, chăm sóc sức khỏe, thể chất, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, tác phong công nghiệp, ý thức trách nhiệm xã hội của học sinh, sinh viên…/.