Sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu về Đề án Sách giáo khoa điện tử và máy tính bảng cho học sinh tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3 đã nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội. Một số ý kiến đồng tình, nhưng nhiều giáo viên, chuyên gia giáo dục và phụ huynh còn băn khoăn về việc triển khai đề án này trong thực tế.
Cô giáo Tô Thụy Diễm Quyên, trường THCS Đức Trí, thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc áp dụng các sản phẩm công nghệ thông tin trong dạy và học là xu thế tất yếu, tạo điều kiện cho học sinh có thể tự học, sáng tạo và tìm kiếm thông tin. Học sinh từ 6 tuổi có thể tiếp cận và sử dụng thành thạo sách giáo khoa điện tử và máy tính bảng để học tập.
“Tôi nghĩ, đề án mỗi học sinh một thiết bị là một đề án rất tốt. Rất nhiều nước trong khu vực và trên thế giới đã áp dụng rồi. Các em không phải xách cặp nặng nề đến trường nữa mà chỉ cần cầm một máy tính bảng. Các em có thể tìm kiếm, chia sẻ thông tin, nộp bài cho giáo viên rất hay... Vấn đề của dự án này là giá thành như thế nào để có thể đại trà được” – cô Tô Thị Diễm Quyên nói.
Theo bà Nguyễn Thanh Hà, Hiệu trưởng trường THCS Thăng Long (Hà Nội), các bài học trong sách giáo khoa điện tử hiện nay rất sinh động. Mỗi bài học đều có hình ảnh, âm thanh, đoạn phim minh họa, giúp cho học sinh tiếp thu bài học dễ dàng hơn bằng nhiều giác quan. Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng của thiết bị này cần phải được cân nhắc.
Bà Nguyễn Thanh Hà nói: “Sách giáo khoa điện tử quả thật rất có ích. Thế nhưng, hiệu quả sử dụng như thế nào thì phải cân nhắc bởi vì đầu tư rất lớn. Nếu như học sinh sử dụng được từ lớp 1 đến lớp 12 thì quá tốt. Nhưng nó là đồ điện tử, với khí hậu của Việt Nam, tính cách của trẻ con thì liệu có giữ sách giáo khoa điện tử đó bền được không? Nếu không bền thì lại thành ra lãng phí”.
Mặc dù đều công nhận hiệu quả của công nghệ thông tin đối với hoạt động dạy và học trong trường học, nhưng nhiều ý kiến cũng tỏ ra băn khoăn về tính khả thi của đề án này như: hiệu quả sử dụng của sách giáo khoa điện tử và máy tính bảng, sức khỏe của trẻ sẽ ảnh hưởng như thế nào nếu sử dụng thiết bị công nghệ, chương trình học của trẻ thay đổi như thế nào so với sách giáo khoa hiện nay…
Chị Trần Thị Hồng Hạnh, ở phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết: “Điều tôi băn khoăn nhất là việc thay sách có ảnh hưởng ít hay nhiều đến sức khỏe của các con. Như con trai tôi, ngoài những giờ trên lớp, thời gian con tiếp xúc với TV, với máy tính cũng tương đối nhiều. Vậy nếu như ở trên lớp, các con lại tiếp xúc với sách điện tử thì liệu rằng sức khỏe, nhất là của đôi mắt có bảo đảm không? Tôi thấy rằng, ở thành phố, số lượng các con bị cận trong một lớp học rất nhiều”.
Bà Hoàng Thị Tuyết, giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, chương trình sẽ được đưa vào sách giáo khoa phải khác biệt so với với chương trình đang giảng dạy hiện hành thì mới mang lại hiệu quả trong giảng dạy.
Một số ý kiến cũng cho rằng, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh cần xem xét đến các yếu tố kinh tế - xã hội, cơ sở thiết bị trường học, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin, trình độ của giáo viên khi xây dựng đề án này. Bên cạnh đó, phải nghiên cứu, xem xét đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi, tác động của việc thí điểm ở trẻ nhỏ. Nếu thí điểm không thành công, trẻ sẽ bị ảnh hưởng ra sao?
Nếu không trả lời được tất cả các câu hỏi này thì không nên mang học sinh ra “thí nghiệm”. Được biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh báo cáo về đề án này./.