Đề án về số hóa sách giáo khoa cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 tại TP HCM với kinh phí khoảng 4.000 tỷ đồng đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Theo đề án, nội dung trong SGK các môn học từ lớp 1-3 được số hóa theo công nghệ 3D, mỗi học sinh sử dụng một máy tính bảng riêng. Nhiều phụ huynh hoài nghi về tính khả thi của đề án này.

Bà Trần Thị Ngọc Dung ở quận 7, TP HCM cho biết: “Với những gia đình có điều kiện về kinh tế thì phụ huynh không phải suy nghĩ, nhưng với những gia đình khó khăn, họ phải tính toán lại. Tại vì bây giờ các con đi học tiền gì cũng tăng mà tiền lương đâu có tăng? Vì vậy, người ta phải gói ghém để lo cho con mình, nay lại thêm cái máy tính bảng nữa. Thật ra đề án này cũng có điều tốt, nhưng với những gia đình khó khăn chắc hơi khó”.

Bà Lê Thị Xuân Thu, quận Tân Phú nói: “Thường thì phụ huynh hay đưa con trực tiếp đến trường. Chúng ta có thể quản bé từ nhà đến trường, nhưng khi đến lớp, các bé chơi game thì chúng ta không thể quản được. Thêm vào đó, điều này sẽ gây ra tệ nạn cướp giật ngay tại trường học của các bé”.

Theo chị Trần Thu Thủy, quận 3: “Con còn nhỏ mình không nên cho nó như vậy được. Cho con mỗi ngày 5.000-10.000 đồng tôi còn không cho, đằng này cái máy tính cỡ 5 triệu đồng. Trẻ con dễ bị giật lắm. Cái điện thoại cầm tay còn bị giật, nên mình sợ lắm!”.

Chị Nguyễn Thị Vân Quyên, quận 4 phân tích: “Sử dụng máy tính nhiều quá ảnh hưởng không tốt cho mắt của bé. Thật sự thì phụ huynh không kiểm soát được. Nếu là sách thì mình có thể xem nội dung có phù hợp với trẻ hay không. Còn với máy tính bảng, mình không có đủ thời gian để kiểm tra xem nó lưu trữ thông tin gì, để cho con mình không phải sử dụng những kiến thức không tốt cho lứa tuổi của bé”.

Anh Nguyễn Ngọc Quyết, quận 7 chia sẻ: “Tôi nghĩ đề án là tốt. Đề án này cho học sinh tiếp cận công nghệ thông tin sớm. Hầu hết bây giờ ở gia đình nào các con cũng được tiếp cận với máy tính bảng và điện thoại thông minh. Cái gì cũng có tính 2 mặt của nó. Điều quan trọng là giáo viên và cha mẹ định hướng con trẻ như thế nào thôi”.

Dưới góc độ nhà quản lý, ông Phạm Bá Lữ, nguyên Trưởng đại diện Bộ Giáo dục - Đào tạo tại TP HCM, chuyên gia giáo dục cho rằng: Việc đưa máy tính bảng vào giảng dạy cho học sinh tiểu học thời điểm này là chưa hợp lý và không nên. Vì hiện nay, phụ huynh đã phải oằn lưng đóng học phí và các khoản phí khác cho học sinh vào đầu năm học mới.

Qua thực tiễn đầu tư đồ dùng dạy học mấy năm qua cho thấy cũng rất lãng phí, bởi vì đồ dùng dạy học sản xuất không đúng mẫu mã, không đúng kỹ thuật, không phù hợp với việc giảng dạy nên giáo viên nhiều địa phương không sử dụng, nên đống tài sản bạc tỷ đó vẫn bỏ trong kho.

Cùng chung quan điểm này, Tiến sĩ Trần Phú Vinh, Phó Trưởng phòng đào tạo, Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: "Về mặt tích cực, tôi cho rằng đây là quyển sách có nhiều kiến thức, chương trình thường xuyên được cập nhật tất cả mọi thứ với mạng internet ngày nay. Tuy nhiên, sách giáo khoa điện tử chỉ giành cho bé từ lớp 1 đến lớp 3, thì việc sử dụng và đọc sách trên màn hình vi tính như vậy không thể phù hợp với sự phát triển tự nhiên. Mà để đầu tư cho cuốn sách đó cha mẹ các cháu phải chịu gánh nặng rất lớn"./.