Từ cuộc trao đổi giữa phóng viên VOV online với GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết, tòa soạn đã nhận được rất nhiều phản hồi từ phía độc giả.

Thầy giỏi mới có trò giỏi

Theo bạn Hoàng Phương, chấn hưng giáo dục phải bắt đầu từ người thầy, nhưng không phải là người thầy phải biết nên dạy cái gì, mà phải lắng nghe xem học sinh đang cần học cái gì.

Trong hoàn cảnh nước ta hiện nay, người thầy đôi khi bị bỏ rơi. Với sự bùng nổ thông tin như hiện nay, qua Internet và các phương tiện khác, học sinh đang chủ động kiếm tìm những thứ mình cần, mà không phải phụ thuộc quá nhiều vào người thầy. Vì thế, thầy cô giáo phải biết lắng nghe nhu cầu của các học sinh, thay vì nghĩ rằng mình được "quyền" dạy bảo ai đó một điều theo ý chủ quan của mình.

thay-giao.jpg
"Chấn hưng giáo dục phải bắt đầu từ người thầy" (Ảnh có tính chất minh họa)

Bạn Nguyễn Viết Sơn nêu ý kiến: Sách giáo khoa có tốt đến mấy cũng không thể thay thế được người thầy. Coi trọng việc đào tạo người thầy, cải tổ công tác tổ chức, xây dựng nguồn lực là vấn đề cốt yếu. Sự yếu kém về năng lực quản lý, nạn chạy chức, chạy quyền đang là vật cản cho sự phát của xã hội và giáo dục.

Bạn Lượng Kiều Văn viết: Để có một nền giáo dục tốt, ngoài nhà trường thì gia đình đóng vai trò hết sức quan trọng. Thế hệ trước đây, thầy cô tâm huyết, gia đình và xã hội nghiêm khắc. Thầy cô kèm cặp chặt chẽ, bố mẹ quan tâm trau rồi đạo đức, cách sống, cách làm người cho con; học sinh có lỗi được “ăn” đôi ba roi của bố mẹ, thầy cô; học sinh học thật hơn.

Còn bây giờ, nhiều thầy cô dạy không tâm huyết, đổ lỗi cho lương thấp. Bố mẹ học sinh thì mải làm kinh tế, không chăm lo trau rồi đạo đức cho con cái, để chúng chơi bời lêu lổng, sống vô cảm.

Còn vì sao ngành sư phạm bây giờ không hấp dẫn? Cái chính là khó xin việc sau khi tốt nghiệp sư phạm, không phải do lương thấp. Điều quan trọng là cái tâm của thầy cô khi đã gắn bó với nghề.

Theo tôi, thứ nhất: Cần đưa môn Đạo đức – Giáo dục công dân trở thành môn thi chính, bởi học phải được học cách làm người bên cạnh việc học “chữ”.

Thứ hai: Giáo viên nào dạy kém thì nên cho nghỉ hoặc chuyển làm công tác khác; người nào dạy tốt thì mới được xét tăng lương, thưởng. Có như thế mới công bằng và giáo viên có trách nhiệm hơn đối với sự nghiệp “trồng người”. Hy vọng ngành sư phạm sẽ chú trọng đặc biệt hơn về cách tuyển dụng như GS Thuyết đã đề xuất.  

Chấn hưng giáo dục như thế nào?

Theo bạn Le Dan: Chấn hưng giáo dục - nói thì dễ, làm thì khó. Muốn thay đổi một thế hệ giáo viên thì càng khó hơn. Thực tế ít học sinh giỏi chọn thi vào đại học sư phạm. Đầu vào đã như thế, đầu ra như thế nào? Tại sao tham nhũng tràn lan, tại sao giáo dục nhiều “vấn đề” quá vậy? Ai cũng biết, tất cả là xuất phát từ con người, mà mảng đào tạo con người trong giáo dục hầu như bị buông lỏng.

Bạn Đậu Thị Liên nêu ý kiến: Xóa được nạn dạy thêm, học thêm là góp một phần nhỏ vào cuộc chấn hưng giáo dục. Một người thầy đứng trên lớp mà tư tưởng lại hướng về kinh doanh dạy thêm, thì bản thân thầy không có lương tâm với nghề. Không yêu trẻ, vì thế hệ tương lai đất nước, thì lấy gì phát triển toàn diện cho học sinh.

Bạn Phùng Huy Vinh nêu ý kiến: Cải cách nền giáo dục nên bắt đầu từ sửa đổi Hiến pháp. Hiến pháp sửa đổi cần thay đổi tư duy và cách nhìn về nền giáo dục nước ta, đó là xây dựng nền giáo dục phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng con người tương lai của một xã hội tương lai.

Hiến pháp sửa đổi cần khẳng định và định hướng chuyển giáo dục đào tạo từ khối văn hóa, xã hội sang khối kinh tế tri thức, làm cơ sở cho việc sửa đổi Luật Giáo dục, thực hiện cải cách nền giáo dục đào tạo của cả nước. Đây là điều vô cùng quan trọng để Việt Nam xây dựng nền kinh tế tri thức.

Bạn Nguyễn Thanh Phong đồng ý với GS Thuyết là phải chấn hưng giáo dục từ người thầy. Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ các cấp, các ngành... không dám nhìn thẳng sự thật. Bệnh nói dối, bệnh thành tích và cả bệnh báo cáo hay đã ăn sâu vào mọi lĩnh vực. Nếu như dám làm và làm tốt các chính sách vĩ mô về giáo dục, tiền lương, cuộc sống vật chất và tinh thần thì giáo viên sẽ thừa sức gánh trên vai trọng trách của giáo dục.

Bạn Hồ Văn Khoa viết: Cảm ơn GS Nguyễn Minh Thuyết đã nói hộ chúng tôi những ý nghĩ trên để các nhà quản lý, các thầy cô giáo và các em học sinh, cũng như toàn xã hội hiểu những vấn đề đang đặt ra với giáo dục nước nhà.

"Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” là câu cửa miệng của học sinh, sinh viên những năm 60 - 70 của thế kỷ trước. Nếu bây giờ câu nói này vẫn còn đúng thì quả là một bệnh di căn nguy hiểm, cho thấy xã hội không coi trọng giáo dục. Trong khi đó, nền giáo dục Việt Nam ngày nay còn phát sinh nhiều bệnh mới, trầm kha hơn như bệnh vọng ngoại, bệnh tự mãn - khuyến khích các em sống theo bản năng (bây giờ gọi là cá tính, "phong cách riêng") không theo khuôn phép, gia giáo, thuần phong mỹ tục.

Vậy nên, nếu thầy tốt, tâm huyết thì học trò sẽ tốt, khá (là nói khiêm tốn), ngoài ra có thể giỏi, xuất sắc. Khuôn méo mà muốn đúc ra sản phẩm tròn là không tưởng. Thầy hỏng sẽ tạo ra các thế hệ sau hỏng theo.

Siết chặt thi cử

BS. Lê Văn Vĩnh viết: Việc bỏ thi tốt nghiệp tiểu học, THCS đã khiến cho giáo viên, nhà trường không chú ý đến chất lượng giáo dục. Chất lượng giáo dục phải được đánh giá toàn bộ học sinh, chứ không phải học sinh có thành tích trong các kỳ thi học sinh giỏi, đoạt giải.

Theo tôi, không nên bỏ bất cứ kỳ thi hết cấp nào cả, mà càng nghiêm túc thì mới cải cách được và quy mô tổ chức thi như thế nào thì Bộ GD-ĐT nên nghiên cứu.

Bạn Đinh Quý Đôn cũng tán thành với ý kiến không bỏ thi tốt nghiệp THPT, bởi nếu bỏ kỳ thi này, học sinh không còn “sợ” thi nữa và không còn mục tiêu phấn đấu.

Theo bạn Lượng Kiều Văn: Bộ GD-ĐT không nên bỏ thi tốt nghiệp THPT, mà cần kiểm tra bất kể ở môn học nào. Bởi vì có thi, học sinh mới biết được khả năng hiện tại của mình mà định liệu, phấn đấu. Nếu bỏ thi, có khi học sinh học hết phổ thông  mà chẳng biết là mình đã học gì.

Bạn Hồ Văn Khoa cũng đồng ý với GS Thuyết là không thể bỏ thi THPT. Theo bạn, các doanh nghiệp hoạt động theo các chế tài chặt chẽ còn có các cơ quan kiểm tra, thanh tra, đôn đốc. Học mà không thi thì ai học làm gì cho mệt? Từ đó sẽ dẫn đến nguy cơ giáo dục bị sa sút, nguồn nhân lực bị thui chột./.