Trong lần công tác ở Hàn Quốc mới đây, tôi có dịp gặp và nói chuyện với một số Giáo sư Việt Nam đang giảng dạy tại đây. Đa số họ đều là người yêu quê hương và luôn mong ngày trở về, nhưng nhiều người trong số họ tâm sự rằng, nhất định họ sẽ trở về sau khi con của họ đã học xong chương trình phổ thông.
Ngoài nước: Học để khỏe, để yêu cuộc sống
GS Bùi Hồng Thủy, nhà khoa học có tiếng trong lĩnh vực công nghệ sinh học, hiện đang nghiên cứu và giảng dạy tại Đại học Konkuc, Seoul tâm sự, vợ chồng chị đã nhiều năm nay nung nấu ý định trở về làm việc ở chính nơi mình đã chôn nhau cắt rốn. Năm ngoái, chồng chị là GS Nguyễn Văn Thuận- một Giáo sư có uy tín ở Hàn Quốc- đã khước từ tất cả sự hậu đãi ở đây để trở về sống và làm việc ở trong nước. Nhưng chị chưa thể đưa các con về nước sum họp gia đình được cũng bởi phải đợi con gái lớn học hết chương trình phổ thông ở Hàn.
Chị Thủy cho rằng, chị không tự tin lắm khi đưa con về nước để học vì việc học ở trong nước còn nặng về lý thuyết, mà ít được thực hành. Còn học ở đây, ngay từ bé các con của chị đã tự thực hành được những điều đã học trên lớp.
GS Trần Hữu Quốc và vợ tại nhà riêng ở Seoul (Hàn Quốc) |
Còn GS Trần Hữu Quốc, giảng viên âm nhạc tại nhiều trường đại học nghệ thuật lớn của Hàn Quốc, như Đại học Baekseok, ĐH Paichai, ĐH Miongji, ĐH Jungmission… cũng chia sẻ rằng, anh thường xuyên về nước biểu diễn phần vì nhớ nhà, phần vì mong muốn đóng góp cho Tổ quốc, nhưng anh lại không thể về Việt Nam sinh sống được bởi anh muốn con gái được hưởng một nền giáo dục mà theo anh “nó phù hợp với tư duy phát triển của trẻ con”.
“Tôi cũng đã từng học trong nước, đã từng phải vất vả học thuộc lòng rất nhiều môn, nhưng sau đó chẳng để làm gì. Và đến nay, cách học dạy và học ở nước ta vẫn chưa thay đổi. Còn ở Hàn Quốc, trẻ con bước vào lớp 1, các cháu học rất đơn giản, chỉ 3 môn bắt buộc là Âm nhạc, Thể dục và Giáo dục cộng đồng (gần như môn đạo đức ở Việt Nam), còn các môn khác là không bắt buộc. Mục tiêu đào tạo của họ cũng rất đơn giản và dễ hiểu là học âm nhạc để phát triển tư duy, cho trẻ thêm tình yêu cuộc sống. Học Thể dục để có sức khỏe và học Giáo dục cộng đồng để biết sống, làm việc có tập thể, cộng đồng. Hàng bao nhiêu thế hệ, người Hàn Quốc họ học như thế và vẫn tư duy phát triển rất tốt. Điều quan trọng là bậc cha mẹ hài lòng vì chương trình rất phù hợp với sự phát triển của con mình, không tạo áp lực cho trẻ con, để trẻ phát triển một cách bình thường”-GS Hữu Quốc tâm sự.
Trong nước: Trẻ con đang phải học quá nhiều thứ
Ở Việt Nam, nhiều cha mẹ học sinh và các chuyên gia, học giả trong lĩnh vực Giáo dục cũng cho rằng, chương trình học trong trường phổ thông hiện nay cũng đang có nhiều bất cập, cần phải có sự thay đổi. Thậm chí có nhiều Giáo sư hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục nhấn mạnh rằng, đây là việc phải làm ngay, không thể trì hoãn. Nếu kéo dài thêm 1 năm, thì lại thêm một thế hệ học sinh phải chịu hệ lụy của chương trình đào tạo này.
Chương trình học hiện nay còn quá chú trọng phần văn hóa nói chung, bắt trẻ con học quá nhiều thứ mà chúng sẽ không bao giờ gặp lại trong cuộc sống hay trong nghề nghiệp sau này.
Trẻ con đang phải học quá nhiều thứ |
Cũng chung suy nghĩ của nhiều bà mẹ có con học Tiểu học, chị Lê Thị Mai (Đống Đa, Hà Nội) tâm sự rằng, ngay từ lớp 1, ngoài việc học cả ngày trên lớp, con chị phải đăng ký học thêm ở nhà cô ít nhất một tuần 2 buổi. Về nhà, con chị không có giờ chơi theo đúng nghĩa, hết làm bài tập trên lớp lại làm bài tập học thêm. Càng lên lớp cao hơn thì mức độ học thêm càng nhiều và chương trình học cũng nặng hơn. Khi lên lớp 5, gần như lịch học thêm dày đặc. “Không cho con đi học cũng không được, vì ở lớp nhiều khi cô không dạy lại những kiến thức cô đã dạy thêm ở nhà. Không đi học thêm thì khó nói tới việc lên cấp 2 đỗ vào một trường mong muốn, vì gần như 99% học sinh ở Hà Nội đều đi học thêm”.
Mới đây, GS Hoàng Xuân Sính, một trong những Giáo sư hàng đầu về giáo dục đã phải thốt lên rằng: “Nạn học thêm đang biến con em chúng ta trở thành những con người thụ động, không biết làm gì cả, ngoài việc ngồi ghế nhà trường, nghe và học thuộc lòng, tối về thì lăn ra ngủ vì quá mệt”.
Còn GS Nguyễn Lân Dũng đưa ra dẫn chứng về chương trình Sinh học, một trong rất nhiều bất cập hiện nay về chương trình học ở bậc phổ thông. Ông cho rằng, chương trình vừa nặng lại vừa thấp, có quá nhiều nội dung, quá nhiều chi tiết không cần thiết, làm cho học sinh vừa khó hiểu vừa khó nhớ, lại không muốn học.
“Tôi đã thử hỏi nhiều em học sinh và thấy các em hiểu rất mù mờ về môn học này và không thích thú. Liệu rằng một cháu 12 tuổi ở nước ta có nhớ nổi sơ đồ cắt ngang của một thân cây trưởng thành với các thuật ngữ khó hiểu như vỏ, tầng sinh vỏ, thịt vỏ, mạch rây, tầng sinh trụ, mạch gỗ. Hay một cháu 13 tuổi có thể nhớ các bộ phận thùy khứu giác, các não trước, tiểu não, hành tủy... của một con thằn lằn. Tôi đã mua 70 cuốn Sinh học ở các nước và thấy chương trình ở nước ta chẳng giống một nước nào. Cần phải sớm thay đổi chương trình học Sinh học ở bậc phổ thông để không quá chênh nhiều so với các nước khác trên thế giới”- GS Nguyễn Lân Dũng chia sẻ.
Theo GS Nguyễn Lân Dũng việc chấn hưng giáo dục không thể chậm trễ hơn được nữa, phải làm ngay không phải đợi đến năm 2015 “Tại sao đến năm 2015 mới bắt đầu lo tới câu chuyện khá đơn giản và hết sức quan trọng này?. Điều quan trọng không phải là sách giáo khoa mà là chương trình chuẩn quốc gia cho từng môn học”.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng từng trăn trở "Hiện chúng ta đang phải đối diện với vô số nghịch lý. Khi còn là Hiệu trưởng trường Đại học Thương mại, tôi đã rất khó khăn trong trong việc sắp xếp môn học. Có môn học không cần dạy cho sinh viên, nhưng vì nhà trường có đội ngũ các thầy dạy môn học này nên vẫn phải sắp xếp để họ được giảng dạy. Làm như vậy là vì “miếng cơm manh áo” của người thầy, chứ không phải vì chất lượng giáo dục, vì học sinh"./.