Trong một cuộc trò chuyện với VOVonline về chủ đề chấn hưng giáo dục, mới đây, PGS.TS Đặng Quốc Bảo, nguyên Hiệu trưởng Học viện Quản lý Giáo dục đã ví nền giáo dục Việt Nam đang phải chạy theo những nhu cầu khác nhau như kiểu một học sinh cứ đến sáng đi học là cần được ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng với một học sinh chỉ có nắm cơm hoặc bụng còn đói.

Minh họa này là thực tế ở nước ta đối với con của gia đình khá giả với con em có hoàn cảnh khó khăn đang được thụ hưởng chất lượng giáo dục khác nhau.

dang-quoc-bao.jpg
PGS.TS Đặng Quốc Bảo

Nếu như vài chục năm trước, khi nền kinh tế nước ta còn nghèo thì hầu như con cái nhà nào cũng đều được thụ hưởng một nền giáo dục như nhau. Còn ngày nay, kinh tế-xã hội phát triển, đời sống ngày một nâng cao thì người dân lại có nhu cầu muốn được thụ hưởng một nền giáo dục chất lượng tốt hơn. Tuy nhiên, nhu cầu chính đáng đó đang đặt ngành giáo dục đứng trước một thách thức là khi đổi mới phải đáp ứng được sự biến động của xã hội và nền kinh tế thị trường. Nếu ngành giáo dục không thực hiện khéo, không có sự quản lý chặt chẽ thì sẽ như “con dao hai lưỡi”.

Hướng đến một nền giáo dục chất lượng cao và ngày càng tốt hơn luôn là một chủ trương đúng đắn và là mong muốn của nhiều người. Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, để đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người dân có điều kiện kinh tế muốn con em được học hành đầy đủ và tốt hơn, Bộ GD-ĐT đã cho phép thành lập các trường chất lượng cao từ cấp tiểu học đến đại học, trường đạt tiêu chuẩn quốc tế ở trong nước. Những trường thuộc dạng này thường có học phí cao, có khi tới hàng nghìn “đô”.

Việc thành lập những trường như vậy là vừa đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân và cũng để tránh thất thoát một lượng ngoại hối khá lớn mà họ phải đưa con đi du học nước ngoài.

Tuy nhiên, nội dung chương trình giảng dạy tại những trường theo tiêu chuẩn quốc tế, chất lượng cao chưa chắc đã được sự đồng thuận của nhiều chuyên gia, quản lý giáo dục và thậm chí là từ phía người dân.

Gia đình chị Thu Huyền, ở phố Quán Thánh, Hà Nội thuộc diện có điều kiện về kinh tế và mong muốn con được học tập ở một môi trường tốt. Tham khảo ý kiến của nhiều người, chị đã để con thôi học trường công lập để chuyển con vào học một trường Tiểu học theo tiêu chuẩn quốc tế ở trong nước.

Được học trong ngôi trường có đầy đủ cơ sở vật chất, thuận lợi cho việc học tập, phát huy tính sáng tạo của con nhưng một thời gian sau, chị Huyền mới thấy con mình thay đổi quá nhiều về cách cư xử, thói quen và mất dần văn hóa của người Việt. Khi đi học về và nói chuyện với bố mẹ trong nhà, cháu toàn nói bằng tiếng Anh. Ở trường cháu được học nhiều bài hát tiếng nước ngoài nên quên hết các bài hát quê hương…

GS.TS Đinh Quang Báo

Theo GS.TS Đinh Quang Báo, Thường trực Ban chỉ đạo đề án “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông cho rằng, trước khi cho các trường chất lượng cao và trường đạt tiêu chuẩn quốc tế hoạt động, Bộ GD-ĐT đã kiểm tra chương trình giảng dạy của các trường nhưng thực tế khi áp dụng vào thực tế, chương trình theo tiêu chuẩn quốc tế còn nhiều bất cập đối với việc giảng dạy cho trẻ em Việt Nam.

Điều này đặt ra đối với ngành Giáo dục là cần phải xem xét lại chương trình giáo dục ở các trường quốc tế, trường chất lượng cao cho phù hợp với văn hóa của dân tộc. Đặc biệt là nếu không có sự giám sát giáo dục trong nền kinh tế thị trường thì sẽ dẫn đến “lợi bất cập hại” như “con dao hai lưỡi” cho chính tương lai thế hệ trẻ.

Còn chênh lệch, tiêu cực thì giáo dục không thể “ngóc đầu” dậy

Xây dựng một nền giáo dục chất lượng cao là điều mà đất nước nào cũng muốn hướng tới. Tuy nhiên, trong một đất nước mà chất lượng giáo dục ở nhiều nơi còn có sự khập khập kiễng thì còn sự bất bình đẳng. Đây là một thách thức lớn mà các nhà quản lý cần nghĩ tới khi tìm cách chấn hưng nền giáo dục.

Theo NGƯT.TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho rằng, khi mà hiện nay, giáo dục ở những vùng miền khó khăn còn cách xa với giáo dục ở thành thị thì chưa thể có nền giáo dục chất lượng tốt được. Dân trí ở vùng này còn cách biệt so với những nơi kia thì chúng ta chưa thể có được chất lượng nguồn nhân lực đạt chất lượng cao để có thể hội nhập với khu vực và thế giới.

Điều đầu tiên phải cần khi nước ta hội nhập với thế giới là nguồn nhân lực chất lượng cao. Thế nhưng, nguồn nhân lực cho tương lai đang còn phụ thuộc vào những kỳ thi và bệnh thành tích.

“Ngày xưa, việc giảng dạy và học tập được thầy giáo và các học trò coi trọng và ưu tiên lấy “Nhân-Đức-Lễ-Trí-Tín” làm đầu. Người thầy giảng dạy hết mình, mong trò thành tài và không có vụ lợi gì. Học trò ngày đêm đèn sách với thực lực khả năng và sự cần mẫn, chăm chỉ của mình.

NGƯT.TS Nguyễn Tùng Lâm

Còn ngày nay, giáo dục nước ta đang bị bệnh thành tích chi phối quá nhiều, khá lâu ở tất cả các ngành học, cấp học. Giáo dục đang đo kết quả học tập của học sinh bằng kết quả phần trăm lên lớp, xếp loại học lực và hạnh kiểm, không có tổ chức kiểm định chất lượng để đánh giá khách quan, khoa học về tất cả các quá trình giáo dục trong mỗi nhà trường. Tất cả chỉ được đánh giá bằng phong trào thi đua qua những con số do các trường tự báo cáo.

Chỉ có số liệu về thi học sinh giỏi quận, huyện, tỉnh, thành, toàn quốc và quốc tế là đáng tin cậy, còn tỷ lệ thi tốt nghiệp THPT gần như các trường, các tỉnh thành sau mỗi năm học đều tiến đến con số tuyệt đối gần 100%. Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo trong mỗi nhà trường không được xem xét, đánh giá khoa học, khách quan. Người dạy tốt, chủ động sáng tạo cũng giống như người năng lực kém, tinh thần trách nhiệm không cao.

Năm 2012, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam thực hiện điều tra khảo sát một số tỉnh, thành ở các cấp học khi hỏi giáo viên thì đều nhận được một tỷ lệ là gần hoặc trên 50% giáo viên các cấp trả lời “nếu được chọn lại nghề, họ đều không muốn chọn lại nghề giáo viên”- NGƯT.TS Nguyễn Tùng Lâm tâm sự.

Nghề Sư phạm được coi là một nghề cao quý và được trân trọng  biết bao. Ấy thế mà hiện nay, nhiều bạn trẻ phải thốt lên rằng: “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Liệu rằng khi đất nước ta hội nhập với thế giới mà không có đủ giáo viên giỏi, tâm huyết với nghề thì làm sao có được trò giỏi, nguồn nhân lực chất lượng cao?

Việt Nam đang thực hiện đề án “Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục”. Dẫu biết rằng, giáo dục Việt Nam đang bị chi phối bởi nhu cầu xã hội và nền kinh tế thị trường nhưng để hướng đến một nền giáo dục toàn diện và chất lượng, chúng ta không thể xem nhẹ vài trò và năng lực của người thầy./.