Sáng nay (8/7), các thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT làm bài thi môn Lịch sử. Đề thi gồm 40 câu hỏi trắc nghiệm, thí sinh có 50 phút để hoàn thành bài thi.
Nhận xét về đề thi năm nay, thầy Hồ Như Hiển, giáo viên Lịch sử tại Tuyensinh 247 cho rằng, đề thi tốt nghiệp THPT môn Sử năm 2021 có nội dung tập trung trọng tâm vào kiến thức lớp 12. Trong đó, kiến thức rơi nhiều nhất vào nội dung lịch sử Việt Nam từ 1919 đến 1975, sau 1975 chỉ có 1 câu. Đề thi có 4 câu lịch sử lớp 11 bao gồm: 2 câu thuộc nội dung lớn của lịch sử Việt Nam giai đoạn từ cuối thế kỷ XIX đến hết chiến tranh thế giới thứ nhất, 1 câu về quốc tế cộng sản, 1 câu về chiến tranh thế giới thứ hai. Đề thi phân hóa từ câu 30, phân hóa mạnh từ câu 33 đến câu 40. Do ảnh hưởng từ dịch Covid -19, đề thi năm nay tương đối dễ với học sinh.
Với đề thi năm nay, thầy Hồ Như Hiển cho rằng thí sinh dễ đạt trên 7 điểm. Học sinh khá sẽ làm tốt tới câu 35, để đạt điểm 9, 10, ngoài sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt kiến thức, học sinh cần có tốc độ giải bài nhanh, chính xác, giữ được tâm lý, sức khỏe ổn định.
Cô Hoàng Lan Hương, giáo viên Lịch sử trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cũng cho rằng, đề thi Lịch sử năm nay bám tương đối sát đề minh họa, phổ điểm trung bình 6-7 điểm.
"Khác với đề minh họa và cũng tương đối khác so với các đề năm trước, câu hỏi giai đoạn 1975-2000, rơi vào nội dung công cuộc bảo vệ tổ quốc - đây là điểm cần lưu ý cho việc ôn thi năm sau. Các câu thông hiểu trong đề tập trung chủ yếu vào câu hỏi về lịch sử Việt Nam. Về câu nhận biết, thông hiểu có câu khá hay khi hỏi chi tiết về lĩnh vực văn hóa trong cuộc vận động Duy Tân thuộc chương trình lớp 11, học sinh không đọc kỹ là rất dễ nhầm. Hay câu 15 (mã đề 307) ở mức độ nhận biết, học sinh không đọc kỹ sẽ rất dễ nhầm khi chọn Ấn Độ.
Câu vận dụng tập trung vào giai đoạn 1930-1945, có câu so sánh giữa các giai đoạn với nhau. Ở mức độ vận dụng, câu 31 (mã đề 307), để làm được câu này học bên cạnh việc nắm vững kiến thức còn phải có sự tư duy để tìm sự điểm giống nhau từ đó sẽ chọn được đáp án đúng...
Câu vận dụng cao tập trung vào giai đoạn 1930-1945, yêu cầu suy luận cao. Những câu vận dụng cao không mang tính đánh đố, sử dụng lối diễn đạt khác yêu cầu học sinh phải hiểu, nắm bản chất và biết vận dụng kiến thức để giải quyết", cô Hương phân tích.
Theo cô Hoàng Lan Hương, đề thi năm nay có mức độ phân hóa khá cao, phổ điểm trung bình từ 6-7 điểm, sẽ xuất hiện nhiều điểm 8-9, có sự phân hóa ở mức độ điểm 9-10.
Kết thúc bài thi Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên, chiều nay, các thí sinh tiếp tục làm bài thi Ngoại ngữ, kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT./.