Năm học 2021-2022, khi hầu khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước thực hiện giãn cách xã hội, đồng nghĩa với việc học sinh, sinh viên phải học trực tuyến nhiều hơn. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đánh giá việc dạy học trực tuyến gặp nhiều khó khăn, nhất là thiếu thiết bị kết nối mạng, thiếu đường truyền Internet ổn định.
Ứng dụng dạy học online chưa đáp ứng nhu cầu thi cử, quản lý dạy và học
Khắc phục những khó khăn này, cùng với chương trình trao tặng thiết bị học tập trực tuyến như chương trình “Sóng và Máy tính cho em”, “Cùng em học trực tuyến”… nhiều địa phương đã chuyển sang hình thức giảng bài trên truyền hình. Tuy nhiên, với các trường đại học, việc học trên truyền hình sẽ không thể đảm bảo khi muốn đánh giá chất lượng học tập của sinh viên, cũng như không thể quản trị được hoạt động của nhà trường.
Tiến sỹ Hoàng Lê Minh, Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Văn Lang, TP.HCM cho biết, trong thời kỳ dịch Covid-19 từ năm 2020, trường hầu như chuyển các hoạt động đào tạo sang môi trường online. Giai đoạn đầu là chỉ dạy học trực tuyến theo tinh thần tức là có video chat, video thảo luận… Tuy nhiên, qua quá trình triển khai giảng dạy, nhu cầu tăng hơn.
“Sinh viên rất đông, giảng viên thì cũng rất nhiều và ở các lứa tuổi khác nhau, nên mức độ ứng dụng công nghệ thông tin khác nhau, thói quen cũng khác nhau. Do đó khi đưa dạy học lên môi trường online thì cũng gặp một số vấn đề như cần các hệ thống về quản lý, đánh giá về con người công việc… Cùng với đó, cần phải có khả năng để tương tác, quản lý nội dung, hoạt động về thực hành và thi cử. Ứng dụng dạy và học online chưa đáp ứng được nhu cầu hiện nay trong quản lý dạy, học và thi cử trong đại học”, Tiến sỹ Minh nêu rõ.
Theo thống kê, hầu hết các ứng dụng dạy học trực tuyến được các trường sử dụng hiện nay đều là phần mềm ngoại như Zoom, Microsoft Teams, Google Meet, Zavi… Ngoài nguyên nhân do được miễn phí, thì các tên tuổi “ông lớn” công nghệ cũng là “cái bóng” chèn ép doanh nghiệp công nghệ Việt trong việc tham gia thị trường ứng dụng học trực tuyến.
“Google hay Microsoft là những tập đoàn công nghệ nổi tiếng và lâu đời trên thế giới, vì vậy khi so sánh các ứng dụng đến từ Việt Nam, sản phẩm của họ mang uy tín và tầm vóc nhất định trong việc ra quyết định chọn lựa ứng dụng. Các ứng dụng của doanh nghiệp Việt chưa có nhiều cơ hội để quảng bá đến cơ sở, địa phương bởi câu chuyện xây dựng thương hiệu không phải thực hiện trong ngày một ngày hai. Vì thế, rất cần sự ủng hộ của Chính phủ, cơ quan chức năng”, bà Nguyễn Phương Thanh Trúc, đồng sáng lập, Giám đốc điều hành CyberPurify nêu ý kiến.
Đánh giá về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Giang, Tổng Thư ký Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) cho biết, tính năng có sẵn trên Android của Google hay trên iOS của Apple cũng như trên Windows của Microsoft là nền tảng giúp các “ông lớn” công nghệ này dễ tiếp cận được người sử dụng hơn so với hãng phần mềm thứ 3.
“Chúng ta đang có sự phụ thuộc nhất định về công nghệ đối với các hãng lớn. Mặc dù năng lực công nghệ của doanh nghiệp Việt tốt và cũng có vị trí nhất định trên thị trường outsourcing (gia công phần mềm) thế giới, thế nhưng muốn tiếp cận lượng khách hàng lớn vẫn phải thông qua nền tảng của những hãng này. Còn phần mềm do doanh nghiệp Việt tự xây dựng, nếu muốn chào hàng riêng lẻ cũng rất khó khăn”, bà Giang phân tích.
“Vì thế, hàng năm VINASA đều bình chọn và đưa ra danh sách các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu của Việt Nam theo từng lĩnh vực cụ thể. Sau đó, giới thiệu profile (thông tin và năng lực) của mỗi doanh nghiệp đến từng địa phương, cơ quan, bộ ngành. Thế nhưng để những đơn vị này thực sự ứng dụng và quyết tâm chuyển đổi số, đòi hỏi ý chí rất lớn của người đứng đầu”, bà Giang cho hay.
Tâm lý ngại bị kiểm soát và đánh giá chất lượng dạy và học
Là một trong những doanh nghiệp tham gia từ thời đầu tiên trong việc chuyển đổi số giáo dục, triển khai phần mềm quản lý trường học cho 27.000 trường học, với cơ sở dữ liệu khoảng 11 triệu giáo viên, học sinh, Trung tâm Giải pháp Giáo dục số - Tổng Công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel vẫn gặp khó trong việc thuyết phục các trường sử dụng phần mềm dạy và học trực tuyến Make in Vietnam.
Theo bà Phạm Thị Ngọc Lan, Giám đốc Trung tâm Giải pháp Giáo dục số, đợt dịch vừa rồi, một số rào cản rõ nhất khi đơn vị tư vấn triển khai việc dạy và học trực tuyến, đó là tâm lý ngại ứng dụng công nghệ thông tin và tâm lý giáo viên không muốn bị kiểm soát và đánh giá chất lượng dạy và học.
“Khi học trực tiếp, không có ứng dụng phần mềm, chất lượng dạy – học là tùy giáo viên và không thể quản lý được, nhưng khi đưa vào phần mềm, hệ thống hay các nền tảng học trực tuyến, giáo viên bị kiểm soát nhất định nên họ ngại và không ủng hộ lắm. Bên cạnh đó là ý chí của người đứng đầu. Nếu người đứng đầu, lãnh đạo đơn vị quyết tâm số hóa, đưa toàn bộ từ dữ liệu đến hoạt động quản lý, vận hành lên môi trường số thì việc số hóa sẽ khả thi”, bà Lan phân tích.
“Các nền tảng dạy và học trực tiếp của nước ngoài chủ yếu tập trung miễn phí cho lớp học trực tuyến, còn không có phần kiểm soát dạy và học. Nếu chỉ với mục tiêu có một công cụ tạm thời thay thế lớp học trực tiếp bằng trực tuyến để đối phó với dịch thì có thể. Còn để nâng cao chất lượng dạy và học, đưa việc học trực tuyến chất lượng có thể thay thế học trực tiếp thì cần có ứng dụng bài bản có kiểm soát chất lượng dạy – học và quản lý trên quy mô toàn trường và lớn hơn là ngành giáo dục của một địa phương, quốc gia…”, bà Lan nêu ý kiến.
Với diễn biến dịch bệnh Covid-19, chúng ta phải xác định trong một tương lai khá dài là dạng mô hình phức hợp cả học trực tiếp và trực tuyến. Kể cả khi tình hình dịch bệnh ổn định, học trực tuyến trong một số trường hợp cũng là sự lựa chọn tốt. Đây có thể xem như vừa là cơ hội, vừa là thách thức trong chuyển đổi số ngành giáo dục.
Các ứng dụng Make in Vietnam do sinh sau đẻ muộn và có thể do thiếu cách tiếp cận phù hợp nên chưa thu hút được sự quan tâm của người dùng trong nước. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kỳ vọng rằng các sản phẩm nếu tính năng tốt, dễ sử dụng đối với người Việt Nam, giá cả phù hợp thì chắc chắn theo thời gian, vẫn sẽ có nhiều người chọn sử dụng./.