Sau hơn 2 tháng học trực tuyến, học sinh tại TP.HCM đã bắt đầu kiểm tra giữa học kỳ I. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh nhận định, việc kiểm tra trực tuyến đang gặp nhiều trục trặc về đường truyền internet nên mong muốn nhà trường sẽ có phương án hỗ trợ cũng như đánh giá phù hợp để học sinh không bị thiệt thòi.

Lúng túng vì con không gửi được bài thi

Nhiều ngày nay, gia đình chị Mỹ Hạnh có con học lớp 9 tại trường THCS Nguyễn Văn Bé, quận Bình Thạnh phải chia người túc trực, hỗ trợ con gửi bài kiểm tra. Vừa qua, bé làm xong bài kiểm tra giữa kỳ môn Tiếng Anh nhưng nghẽn mạng, không thể thực hiện thao tác gửi. Các bài kiểm tra trước đó cũng thường gặp lỗi trường truyền, bị thoát màn hình đột ngột nên học sinh phải chụp lại bài thi để các thầy, cô xem xét. Vì vậy, chị Hạnh khá lo lắng nếu bài kiểm tra giữa kỳ không được chấp nhận.

“Giáo viên cũng nói học sinh nào bị lỗi khi làm hoặc gửi bài thì chụp lại để cô xem nhưng tôi cũng muốn nhà trường có biện pháp xem xét lại điểm của các bé để tránh bị thiệt thòi. Các con làm bài thi online đúng quy định nhưng bị lỗi mạng nên bị văng ra”.

Theo cô Nguyễn Thanh Hoà, giáo viên môn Lịch sử của trường THCS Nguyễn Du, Quận 1, học sinh đang gặp nhiều khó khăn với việc học và quá tải vì lịch kiểm tra trực tuyến. Để học sinh giảm bớt lo lắng về quá trình làm bài kiểm tra, giáo viên cũng dặn dò học sinh chuẩn bị thêm thiết bị dự phòng, ngồi trước màn hình suốt quá trình làm bài đến lúc kết thúc để tránh việc bài thi bị hủy.

Tuy nhiên, khi các em đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng thì có khi đường truyền không đảm bảo hoặc gặp sự cố nên chính nhà trường phải dời lịch kiểm tra sang buổi khác. Điều này cũng khiến phụ huynh cảm thấy mệt mỏi, ức chế vì việc học và kiểm tra trực tuyến nhiều bất cập.

Cô Thanh Hoà cho rằng, phụ huynh sẽ phối hợp cùng nhà trường để có phương án hỗ trợ tối ưu cho học sinh: “Nếu xảy ra lỗi, phụ huynh, học sinh cần gọi cho giáo viên để được hỗ trợ về kỹ thuật, chụp lại bài thi hoặc báo giờ xảy ra lỗi để lúc chấm bài, giáo viên bộ môn sẽ xác nhận và xử lý. Nhiều phụ huynh luống cuống quá hoặc hối nhiều cũng khiến giáo viên bị rối theo. Tôi nghĩ phụ huynh cần bình tĩnh để có cách hỗ trợ tốt nhất cho con”.

Linh hoạt để hỗ trợ học sinh

Thấu hiểu những băn khoăn của phụ huynh, thầy Nguyễn Tiến Hiệp, Hiệu trưởng trường THCS Bình An, TP. Thủ Đức cho biết, học sinh của trường sẽ được kiểm tra lại thay vì phải chứng minh các sự cố trong lúc làm bài. Điều này sẽ tạo tâm lý thoải mái, giúp các em yên tâm học tập trong bối cảnh dịch bệnh.

Theo thầy Hiệp, nhà trường sử dụng phần mềm trả phí nên không phát sinh nhiều lỗi trong quá trình dạy. Tuy nhiên, khi kiểm tra trực tuyến thì mỗi lớp vẫn có từ 1-3 trường hợp bị lỗi do thiết bị cũ hoặc nghẽn mạng. Nhà trường sẽ theo dõi, khắc phục các lỗi phát sinh để đảm bảo việc học và kiểm tra không bị gián đoạn.

Thầy Nguyễn Tiến Hiệp chia sẻ: "Hàng tuần, giáo viên chủ nhiệm và giáo môn bộ môn phải báo cáo những tình huống các em học sinh gặp trong tuần để nhà trường tháo gỡ các vướng mắc. Những phần mềm chưa đáp ứng, trường cũng liên hệ với bên cung cấp để tăng tính năng, hỗ trợ giảng viên trong quá trình dạy và học. Nhìn chung, phụ huynh và học sinh rất an tâm”.

Đến nay, học sinh các cấp tại TP.HCM đã đi được nửa chặng đường của học kỳ I, năm học 2021-2022 theo hình thức học trực tuyến. Phụ huynh mong nhà trường sẽ có phương án hỗ trợ tốt nhất, giảm bớt áp lực cho học sinh trong quá trình học tập, thi cử thời gian tới./.