Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng nhân lực có tay nghề làm việc tại các doanh nghiệp rất lớn. Đứng trước thực tế đó, các cơ sở đào tạo nghề tại Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp trong việc đào tạo và giải quyết việc  làm. Mô hình này mang lại lợi ích như thế nào cho người học, nhà trường và doanh nghiệp?

Theo thống kê của Sở Lao động– Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, hiện thành phố hiện có 435 cơ sở dạy nghề, số lượng người trong độ tuổi lao động qua đào tạo nghề là hơn 2,8 triệu người, đạt tỉ lệ 75%.Giai đoạn 2016 – 2020, thành phố dự báo mỗi năm có khoảng 270.000 chỗ làm việc, trong đó có 130.000 chỗ làm việc mới. Mặc dù nhân lực qua đào tạo chiếm 75%, nhưng thực tế số lao động qua đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp còn rất thấp.

dao_tao_nghe_xwcb.jpg
 

Trước thực tế đó, một số trường nghề đã phối hợp với doanh nghiệp nhằm thu hút học viên ở đầu vào, đảm bảo đầu ra học viên có việc làm ngay, đúng chuyên môn và doanh nghiệp không phải mất thời gian, chi phí đào tạo.

Ông Nguyễn Đắc Hiển, Trưởng phòng Đào tạo, trường Trung cấp nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương cho biết: hiện nay trường liên kết với 60 doanh nghiệp, tổ chức và đơn vị, đào tạo được 3.444 học viên. Thông qua việc liên kết, nhà trường có thể đào tạo theo nhu cầu của xã hội, đáp ứng nhu cầu nguồn lao động có tay nghề phù hợp với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp.

Ông Hiển nói:”Chúng tôi cam kết đầu ra 100% cho 11 nghề đào tạo, cam kết bằng văn bản với doanh nghiệp. Năm vừa rồi có 300 học viên tốt nghiệp nhưng doanh nghiệp đặt hàng tới 500 học viên, hầu như ra trường là các em có việc làm ngay”.

Theo ông Hiển, việc các doanh nghiệp tham gia cùng cơ sở đào tạo nghề giúp cho khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế được thu hẹp lại. Đồng thời, nhà trường nhận được phản hồi về chương trình đào tạo để điều chỉnh sao cho sát với mong muốn của doanh nghiệp và học viên có thể được tiếp xúc với công việc ngay trong quá trình học.

Ông Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Khái niệm thất nghiệp đối với học viên của trường khá “lạ lẫm”, bởi mô hình liên kết giữa nhà trường – doanh nghiệp – học viên đã được triển khai từ lâu. Điểm hay nhất của mô hình này là học viên có nhiều quyền lợi, từ việc được tiếp cận với công nghệ, máy móc mới do doanh nghiệp cập nhật đến quyền lựa chọn nơi làm việc sau tốt nghiệp.

Ông Lý nói:”Trong quá trình ký kết với doanh nghiệp, chúng tôi luôn “thòng” một câu là cho sinh viên được quyền lựa chọn doanh nghiệp và doanh nghiệp phải cạnh tranh để giữ được sinh viên giỏi. Với tay nghề của sinh viên, các em dư sức đi làm bất cứ công việc nào mà xã hội đang cần”.

Về phía doanh nghiệp, việc gắn kết với nhà trường, đặt hàng đào tạo là hướng để có nguồn lao động chất lượng, ổn định. Bà Trần Thị Xuân Chi, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Metkraft cho biết: Học viên sau khi tốt nghiệp hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu về công việc của doanh nghiệp. Việc đặt hàng các cơ sở đào tạo nghề giúp tiết kiệm thời gian và công sức cho cả học viên và doanh nghiệp. Điều mà doanh nghiệp cần nhất là số lượng lao động tay nghề cao đủ đáp ứng nhu cầu tuyển dụng.
Theo các doanh nghiệp, việc nhận đào tạo theo đơn đặt hàng là một giải pháp cần áp dụng rộng rãi hơn, thông qua đó góp phần định hướng nghề nghiệp cho người lao động sát với nhu cầu thị trường, đồng thời nâng chất lượng dạy và học nghề. Các cơ quan quản lý nhà nước cần có chính sách pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và trường nghề tiếp cận nhau, đẩy mạnh xã hội hoá công tác dạy nghề./.