Hiện nay, cả nước có gần 25.000  tiến sĩ thì chỉ có trên 9.500 người giảng dạy ở trong các trường ĐH, CĐ. Còn lại gần 15.000 tiến sĩ đang làm việc ở các cơ quan, doanh nghiệp...

Thế nhưng, có một thực tế đáng buồn là trong số gần 15.000 tiến sĩ đó thì một bộ phận không nhỏ chỉ muốn có tấm bằng để dễ bề thăng quan, tiến chức.

Nhận định về thực trạng trên, GS.TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học & Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, việc các cơ quan, ban ngành và doanh nghiệp ưu tiên chọn người có học vị tiến sĩ để bổ nhiệm, cân nhắc cán bộ chỉ nên được coi là một tham chiếu, mang tính chất khuyến khích người có bằng cấp. Như vậy, tất cả công chức sẽ không chạy theo việc học tiến sĩ hay để có được tấm bằng tiến sĩ bằng mọi giá.

2_thang_quan_tien_chuc_bang_vsct.jpg
Nhiều người chỉ muốn có tấm bằng tiến sĩ để làm căn cứ thăng quan, tiến chức (ảnh minh họa- Tuổi trẻ))

Ở nhiều nước trên thế giới, từ khi tuyển dụng một ai đó vào làm việc hầu hết đều dựa trên năng lực chuyên môn và khả năng thực tế, phẩm chất đạo đức của lao động chứ không dựa theo việc xét duyệt hồ sơ bằng cấp.

Còn việc bổ nhiệm, đề bạt cán bộ công chức nên dựa trên năng lực, phẩm chất đạo đức và quá trình cống hiến thực tế, thành tích của họ.

Nếu công chức có bằng cấp cao được đề bạt, thăng chức thì đơn vị, cơ quan cũng cần có quá trình đánh giá chất lượng làm việc của họ. Ngoài ra, trong quá trình giữ chức vụ, cơ quan công quyền, đơn vị Nhà nước, doanh nghiệp cũng cần có sự đánh giá xem người được đề bạt lên cán bộ có đảm nhiệm được công việc hay không.

Bằng tiến sĩ chỉ dành cho người thực sự có trình độ

Đứng ở góc độ quản lý hệ ĐH và sau ĐH, PGS.TS Phạm Hồng Chương, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân nêu quan điểm: Việc sử dụng, đề bạt cán bộ là trách nhiệm của cả xã hội, cơ quan quản lý Nhà nước và đặc biệt là ở những đơn vị sử dụng lao động.

Còn về phía ngành Giáo dục và cơ sở đào tạo có trách nhiệm cung cấp kiến thức và đánh giá đúng trình độ của người học. Như vậy, cơ sở giáo dục cũng có trách nhiệm cấp bằng tiến sĩ cho những người đủ trình độ, yêu cầu đặt ra.

Thực tế hiện nay, có những công việc đòi hỏi bắt buộc phải có học vị tiến sĩ như giảng viên giảng dạy sau đại học. Những vị trí khác không yêu cầu phải có bằng tiến sĩ thì bộ máy công quyền và các cơ quan, doanh nghiệp không nên đưa tiêu chuẩn bằng cấp để đề bạt, bổ nhiệm cán bộ.

Hiện nay, một số cơ sở đào tạo cấp bằng tiến sĩ tương đối dễ dãi nên sẽ dẫn đến những hậu quả không tốt cho xã hội. Chính vì vậy, việc Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư về quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ với những yêu cầu khắt khe hơn trong việc tuyển sinh, đào tạo và cấp văn bằng thì chắc chắn việc học tiến sĩ sẽ khó khăn hơn trước.

Do vậy, chỉ những người thực sự có nguyện vọng, nhu cầu thì mới theo học, ai đó muốn có bằng tiến sĩ để thăng quan, tiến chức thì quá khó khăn nên số lượng người muốn học tiến sĩ có thể sẽ giảm đi.

PGS.TS Phạm Hồng Chương cho rằng, việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ quản lý phải dựa vào năng lực chuyên môn chứ không nên dựa vào bằng cấp tiến sĩ. Bằng cấp chỉ là một trong những tiêu chí để các cơ quan, doanh nghiệp đánh giá năng lực của người được bổ nhiệm, đề bạt./.