Nhiều năm liền đạt học sinh giỏi toàn diện, đạt giải Nhì nghiên cứu khoa học và môn Ngữ văn, đỗ trường chuyên củatỉnh… Đó là thành tích “đáng nể” củacô học trò nghèo dân tộc H’MôngChấu Thị Tảo, lớp 10 Văn trường THPT chuyên tỉnh Lào Cai.
Sinh ra và lớn lên ở thôn Hoàng Hạ, xã Hoàng Thu Phố, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, năm Chấu Thị Tảo lên 2 tuổi thì mẹ qua đời do bị bệnh nặng, để lại 3 người con: Tảo, chị gái và em trai út chỉ mới được 1 tháng tuổi. Từ đó, 3 chị em ở với bà nội và bố.
Ít lâu sau, bố của Tảo lấy vợ khác. Cứ tưởng rằng, khi có mẹ kế thì mấy chị em Tảo sẽ được yêu thương, chăm sóc hơn nhưng không ngờ, mẹ chẳng những không thương yêu mà còn nhiều lần ngược đãi con riêng của chồng. Đó là quãng thời gian chị em Tảo không bao giờ muốn nhớ tới nhưng lại chẳng thể quên.
Năm Tảo lên 9 tuổi thì bố mất, mẹ kế cũng bỏ nhà đi luôn. Ba chị em chỉ còn bà nội đã già yếu để nương tựa. Từ nhỏ, em trai Tảo đã thiếu sữa mẹ nên hàng ngày bà nội đã phải đi khắp làng xin sữa, xin gạo về nấu thành cháo loãng thay sữa mẹ cho em.
Cuộc sống nghèo khó cứ bủa vây gia đình cô học trò nghèo. Gạo chẳng đủ nên thường xuyên mấy bà cháu phải ăn ngô, khoai thay cơm. Cho đến năm 2007, Trung tâm công tác xã hội tỉnh Lào Cai thực hiện khảo sát hoàn cảnh gia đình ở các huyện. Biết được hoàn cảnh của ba chị em, trung tâm đã đưa Tảo và em trai về trung tâm nuôi dưỡng. Từ đó, cô học trò nghèo dân tộc H’Mông được đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa.
Cuộc sống ở trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Lào Cai mang đến cho Chấu Thị Tảo nhiều niềm vui. Cô học trò này luôn cho rằng, được vào trung tâm là may mắn lớn bởi nếu không có lẽ em đã thành nạn nhân của nạn tảo hôn như bao bạn bè cùng tuổi ở quê nhà.
Tuy nhiên, do bước vào lớp 1 chậm hơn các bạn khác 2 tuổi và quên tiếng phổ thông nên Tảo gặp khó khăn trong học tập và giao tiếp với mọi người. Vì vậy, em phải mất một thời gian rèn luyện thì mới hòa nhập được với các bạn ở thành phố.
Cô học trò nghèo dân tộc H’Mông Chấu Thị Tảo mồ côi từ năm 2 tuổi nhưng có thành tích học tập khiến nhiều người phải khâm phục |
Góp thêm tiếng nói chống nạn tảo hôn để bảo vệ trẻ em gái
Ý thức được hoàn cảnh khó khăn của gia đìmh, Chấu Thị Tảo luôn chăm chỉ học tập với mong muốn tương lai sẽ tốt hơn. Ở trường, em luôn cố gắng hiểu bài ngay trên lớp và khi về nhà thì luyện tập những bài khó hơn.
Nhiều năm liền, Chấu Thị Tảo đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện. Năm lớp 9, Tảo tham gia học sinh giỏi cấp tỉnh và đạt giải Nhì môn Ngữ văn.
Năm học này, cô học trò nghèo người dân tộc H’Mông đã thi đỗ vào trường THPT chuyên tỉnh Lào Cai - ngôi trường mơ ước của nhiều học sinh giỏi.
Ngoài giờ học ở trung tâm, Tảo còn giúp các cô bác nấu cơm, chăm sóc các em nhỏ và tham gia các hoạt động thể dục thể thao…
Với nỗ lực không ngừng, Chấu Thị Tảo đã lọt vào danh sách 126 học sinh tiêu biểu năm học 2015-2016. Cô học trò nghèo này còn tham gia nghiên cứu khoa học và đạt giải Nhì cấp tỉnh với đề tài: “Thực trạng và giải pháp vấn đề xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn tỉnh Lào Cai”.
Chia sẻ lý do tham gia đề tài nghiên cứu khoa học này, Chấu Thị Tảo cho biết: Tỉnh Lào Cai là địa phương có nhiều trẻ em gái dân tộc thiểu số nhưng lại ít được trang bị kiến thức về giới tính và kỹ năng bảo vệ mình khỏi bị xâm hại tình dục. Chính vì vậy, nạn tảo hôn và xâm hại tình dục vẫn còn phổ biến ở mảnh đất quanh năm sương gió này.
Những vùng quê ở Lào Cai, sự phân biệt đối xử, bất bình đẳng giới giữa nam và nữ vẫn còn. Nạn tảo hôn vẫn diễn ra nên trẻ em gái thường nghỉ học sớm để lấy chồng, sinh con trong khi việc làm chưa có hoặc không ổn định nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn...
Trước những thực trạng đó, Chấu Thị Tảo đã mạnh dạn tham gia nghiên cứu đề tài trên với mục đích đưa ra các giải pháp và kỹ năng cho trẻ em gái tự phòng tránh và bảo vệ khỏi xâm hại tình dục cũng như đề xuất các giải pháp để giảm thiểu tối đa tình trạng tảo hôn...
Niềm vui bất ngờ là đề tài của cô gái dân tộc H’Mông đã được tuyên truyền, áp dụng giảng dạy hiệu quả ở các trường học của một số huyện của tỉnh Lào Cai.
Tâm sự về mong ước trong tương lai, cô học trò mồ côi cha mẹ từ năm 2 tuổi hy vọng sẽ học tập thật tốt, tích cực tham gia các hoạt động xã hội để sau này trở thành cán bộ phụ nữ giỏi giúp đỡ người dân quê em xóa bỏ các hủ tục lạc hậu để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn./.
Tâm sự của tân Giáo sư trẻ nhất nước năm 2016
Tân PGS trẻ nhất: Hạnh phúc hòa mình trong sự phát triển của dân tộc