Sáng 5/11 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia diễn ra lễ công bố quyết định và trao giấy chứng nhận cho 703 nhà giáo đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó giáo sư (GS, PGS) năm 2016.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chúc mừng 65 nhà giáo đạt tiêu chuẩn chức danh GS và 638 nhà giáo đạt tiêu chuẩn chức danh PGS.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rằng, tri thức là vốn liếng quý báu, là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng. Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ, sức mạnh của dân tộc.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại lễ công bố quyết định và trao giấy chứng nhận cho 703 nhà giáo đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2016 |
Đội ngũ các nhà giáo, nhà khoa học, đặc biệt là các GS, PGS đã đóng góp to lớn vào sự nghiệp giáp dục, sự nghiệp phát triển khoa học công nghệ (KHCN) nói riêng và sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ tổ quốc nói chung.
Đất nước ngày nay đứng trước yêu cầu phải phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của KHCN càng khẳng định vai trò và tầm quan trọng của tri thức, của đối ngũ trí thức, của các nhà giáo, các nhà khoa học.
Để vượt lên, để không bị tụt hậu thì nhất định chúng ta phải khắc phục cho được những hạn chế, yếu kém đã được nhận diện rất rõ. Hai trong số đó là tiềm lực KHCN của đất nước và chất lượng nguồn nhân lực. Điều này đòi hỏi chúng ta phải đổi mới mạnh mẽ hệ thống sáng tạo quốc gia, đổi mới mạnh mẽ giáo dục và đào tạo, nhất là giáo dục đại học và phải đặc biệt chú trọng hoạt động nghiên cứu KHCN trong các cơ sở giáo dục.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định vai trò vô cùng quan trọng và có tính quyết định của các GS, PGS.
GS không chỉ là những nhà khoa học, những nhà sư phạm giỏi trong nghiên cứu, trong giảng dạy để đào tạo ra nhiều tiến sĩ, thạc sĩ, kỹ sư, cử nhân có chất lượng được thừa nhận trong nước và quốc tế. Hơn thế, GS còn là tấm gương về nhân cách trong nhà trường, trong nghiên cứu, trong giảng dạy, trong đời sống, trong xã hội.
Pháp luật đã quy định rõ, GS là chức danh khoa học do cơ sở giáo dục đại học bổ nhiệm nhưng GS cũng là chức danh được xã hội, được nhân dân đặc biệt tôn trọng.
Việc công nhận đạt tiêu chuẩn bổ nhiệm GS, PGS cũng cần được đổi mới mạnh mẽ, phù hợp với xu thế phát triển của KHCN, xu thế phát triển của giáo dục đào tạo trên thế giới, phù hợp với thông lệ quốc tế về tiêu chuẩn, phương thức đánh giá. Mặt khác, chúng ta cũng cần bảo đảm tình kế thừa, phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt.
Tới đây, chắc chắn rằng, các nhà giáo, các nhà khoa học được công nhật đạt tiêu chuẩn GS, PGS hôm nay sẽ được bổ nhiệm là GS, PGS trong các viện, các trường ĐH.
Phó Thủ tướng mong rằng các GS, PGS phát huy thật tốt vai trò của mình trong trường, trong viện, trong nghiên cứu, trong đào tạo, trong lĩnh vực mình công tác và trong xã hội./.
Trong đợt trao giấy chứng nhận cho 703 nhà giáo đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2016, nhà giáo đã nghỉ hưu Lê Thị Chiều, sinh năm 1947, ngành luyện kim là người cao tuổi nhất trong các tân GS. Người cao tuổi nhất được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh PGS là nhà giáo Bùi Mạnh Hùng, sinh năm 1950, ngành xây dựng, đã nghỉ hưu.
Tân GS trẻ tuổi nhất được xét phong hàm GS trong đợt này là PGS.TS Trần Đình Thắng, trường Đại học Vinh. PGS.TS Trần Đình Thắng, sinh năm 1975 tại huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An đã có nhiều năm làm công tác giảng dạy tại trường Đại học Vinh. Năm 2012, anh được phong hàm PGS và hiện đang làm Phó Trưởng khoa Hóa học – trường Đại học Vinh.
Người trẻ nhất trong danh sách PGS là nhà giáo Trần Xuân Bách, sinh năm 1984, ngành Y học, trường ĐH Y Hà Nội.
Đặc biệt năm 2016, Văn phòng Hội đồng chức danh GS Nhà nước đã xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS đặc cách cho GS Đào Văn Lập - ngành Vật lý, giảng dạy tại Trung tâm Khoa học Quang học và Lượng tử, Đại học Công nghệ Swinburne, Australia.
Ngành Y học có số lượng nhà giáo được công nhận nhiều nhất với 7 người được công nhận chức danh GS và 114 người được công nhận chức danh PGS. Ngành kinh tế có số lượng nhiều thứ 2 trong danh sách PGS với 72 người được công nhận.
Năm nay, cả nước có 931 ứng viên đăng ký hồ sơ xét chức danh GS, PGS. Trong đó, 118 người nộp hồ sơ đăng ký chức danh GS, 813 người nộp hồ sơ đăng ký chức danh PGS tại 107 Hội đồng chức danh GS cơ sở, nhiều hơn năm 2015 là 250 ứng viên.Bộ trưởng Giáo dục mong đợi gì ở các tân giáo sư, phó giáo sư?
Tân PGS trẻ nhất: Hạnh phúc hòa mình trong sự phát triển của dân tộc