Tại Việt Nam, kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học mỗi năm lên đến cả ngàn tỉ đồng. Chỉ tính riêng Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, trong 5 năm (từ 2011-2015), kinh phí hoạt động đã “ngốn” 2.000 tỉ đồng. Những con số trên làm nhiều người đặt câu hỏi: Chất lượng các nhà khoa học và công tác đào tạo tiến sĩ (TS) của nước ta như thế nào?
Chất lượng một đằng, bằng cấp một nẻo
Trả lời câu hỏi trên, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), thừa nhận chất lượng đào tạo trình độ TS ở Việt Nam chưa cao so với các nước phát triển. Thế nhưng, theo nhận xét thẳng thắn của nhiều chuyên gia, chất lượng đào tạo TS hiện nay rất thấp bởi cách đào tạo không khác gì tại chức, nghĩa là nghiên cứu sinh (NCS) ngồi tại cơ quan mình làm việc, địa phương mình sinh sống để làm luận án, thỉnh thoảng mới gặp thầy hướng dẫn.
Anh Mai Khoa, NCS tại Học viện Công nghệ Hoàng gia Melbourne (Úc), thẳng thắn nhận định chất lượng TS hiện không đi đôi với bằng cấp, nhiều luận án nội dung chỉ nhỉnh hơn so với khóa luận tốt nghiệp ĐH một chút. Có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu nằm ở việc tuân thủ các quy định bảo đảm về chất lượng đào tạo chưa được thực hiện bài bản. Giảng viên hướng dẫn dễ dãi hoặc không cập nhật đầy đủ những thành tựu mới mà quốc tế đã thực hiện trong lĩnh vực nghiên cứu; NCS làm cho xong, cơ sở đào tạo không kiểm soát được chất lượng và đặt trách nhiệm lên vai hội đồng đánh giá.
“Một nguyên nhân đáng ngại nữa chính là chúng ta đang chạy theo số lượng một cách ồ ạt, từ cơ quan quản lý, cơ sở đào tạo đến giảng viên hướng dẫn. Việc phân bổ chỉ tiêu như hiện nay cũng chưa thật sự dựa trên nhu cầu của xã hội” - anh Khoa đánh giá.
Đào tạo như kinh doanh!
Theo anh An Nhiên, NCS tại Trường ĐH Southern (Úc), bất cập lớn trong đào tạo TS tại Việt Nam là cho các trường tự chủ về đào tạo nhưng thiếu sự kiểm soát. Sự dễ dãi trong nhiều khâu đã dẫn đến việc đào tạo khó đạt chất lượng, nhất là khi nhiều người không thuộc các trường ĐH hay viện, ít liên quan đến lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học đua nhau đi học TS vì những mục đích khác nhau.
Một phó giáo sư (PGS) công tác tại trường ĐH hàng đầu ở Hà Nội cho rằng quy chế đào tạo TS của Bộ GD-ĐT nhìn qua khá chặt chẽ nhưng có lẽ học TS bây giờ là dễ nhất trong các bậc học. Không ít cơ sở có “giấy phép” đào tạo TS và xem đây như một cách kinh doanh. “Tôi biết có những trường để “chiều lòng” thị trường đã cho học viên nợ cả đầu vào tiếng Anh khi nộp hồ sơ dự tuyển. Đấy là chưa kể tình trạng học hộ, thi hộ, tệ hại hơn nữa là viết luận án hộ….” - vị PGS dẫn chứng.
Chung quan điểm, GS Trần Hải Linh, Trường ĐH Inha (Hàn Quốc), cho rằng một khi nhu cầu học TS gia tăng thì hiển nhiên sẽ có “cung”. Điều này gây ra cảm giác ở Việt Nam đang có xu hướng phổ cập TS, thạc sĩ. “Việt Nam có 24.000 TS nhưng cũng là nước mà số lượng bài báo công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế nằm trong nhóm thấp nhất ở Đông Nam Á. Đây có thể coi là một trong những thông số đánh giá khá khách quan để chúng ta có thể nhìn nhận lại vấn đề đào tạo TS trong những năm qua” - GS Linh nói.
Nâng chất lượng bằng cách nào?
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, sau 6 năm thực hiện Quy chế đào tạo trình độ TS, Bộ GD-ĐT đã nhận thấy phải nâng chuẩn đào tạo. Bộ cũng đã có kế hoạch xây dựng dự thảo quy chế mới thay thế quy chế hiện hành. Những vấn đề về đào tạo TS theo hình thức tập trung, giảm số NCS/giảng viên là TS, PGS, GS… cũng đang được đặt ra trong quá trình xây dựng dự thảo.
GS Trần Hải Linh cho biết Việt Nam đang thiếu nghiêm trọng cán bộ khoa học, cán bộ giảng dạy có trình độ cao, trước hết là các TS. Tuy nhiên, bên cạnh việc tăng số lượng, cần đặc biệt coi trọng và có những giải pháp thay đổi một cách triệt để nhằm nâng cao chất lượng đào tạo TS. Nhìn sang Hàn Quốc có thể thấy quy trình bảo vệ luận án ở bất cứ lĩnh vực nào đều rất được chú trọng và xem việc có “công bố khoa học” là một trong những chuẩn mực và hạn chế bớt các thủ tục rườm rà khác cho NCS. Các nước có nền khoa học phát triển (bao gồm khoa học tự nhiên, công nghệ, khoa học xã hội, kinh tế, giáo dục…) luôn coi NCS là lực lượng thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Người thầy phải là người thiết kế, hướng dẫn và đánh giá kết quả từng công đoạn nghiên cứu của NCS. NCS không chỉ tập dượt nghiên cứu, họ còn được giao nhiệm vụ nghiên cứu khoa học vừa tầm, vừa sức của mình và luận án khi bảo vệ phải bảo đảm có “tính mới” trong khoa học. Với cách làm đó, NCS sẽ tiếp cận được phương pháp triển khai nghiên cứu khoa học và trở thành những người có trình độ khoa học nhất định khi có bằng TS.
Nâng chuẩn đầu vào, đầu ra
Ông Lê Ngọc Sơn, giảng viên Trường ĐH Công nghệ Ilmenau (Đức), cho rằng bậc đào tạo TS ở Việt Nam cần nhắm đến chất lượng thay vì chạy đua theo số lượng như hiện nay. Thời đại toàn cầu hóa, nếu ta cần nhân lực chất lượng cao ở bậc TS, có thể thuê nhân lực nước ngoài, thay vì bằng mọi giá (kể cả hạ chuẩn) để “nặn” ra bằng được một TS. Mặt khác, cần có quy định khẩn trương và hiệu quả nhằm thắt chặt cả 2 khâu: đầu vào và đầu ra.
Về đầu vào, phải nâng chuẩn ngoại ngữ (ở đây là tiếng Anh). Không nên tiếp tục dùng các chứng chỉ A, B, C vì không uy tín, dễ phát sinh tiêu cực. Thay vào đó, nên áp dụng các chứng chỉ có uy tín quốc tế mà các ĐH nước ngoài đang dùng như IELTS, TOEFL iBT.
Về đầu ra, cần siết chặt chất lượng bằng việc yêu cầu NCS phải có bài đăng trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín, có chỉ số ảnh hưởng (impact factor) cao.
Trần Hữu Thùy Giang, nghiên cứu sinh Trường ĐH Southern Cross (Úc):
Bảy yêu cầu bắt buộc
Để việc đào tạo NCS của Việt Nam tiệm cận với tiêu chuẩn của các nước có nền giáo dục tiên tiến, cần triệt để thay đổi trên các khía cạnh sau: 1. Về tuyển sinh, phải tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu của đầu vào, nhất là ngoại ngữ. 2. Thời gian học, nên áp dụng hình thức nghiên cứu toàn thời gian (full time) từ 3 đến 4 năm. NCS phải tập trung học tập các chuyên đề bắt buộc, sau đó có mặt ở phòng nghiên cứu, lab, thư viện để chuyên tâm cho luận án. Nếu có hình thức đào tạo bán thời gian thì tối thiểu 6-8 năm mới được tốt nghiệp. 3. Trong quá trình học tập, phải tuân thủ báo cáo tiến độ (theo khung thời gian đề cương) hằng tuần hoặc 2 tuần một lần đối với GS hướng dẫn, 2 năm một lần đối với đơn vị phụ trách đào tạo. 4. Trong quá trình nghiên cứu, NCS phải tham gia các hội thảo khoa học chuyên ngành. 5. Thực hiện nghiêm túc quy định về công bố các công trình xuất bản liên quan đến đề tài nghiên cứu có chỉ số khoa học như sách, báo, chương sách. 6. Có cơ chế hỗ trợ sinh hoạt phí (học bổng) cho NCS trong quá trình đào tạo. 7. Sau khi hoàn thành luận án phải gửi cho 2 hoặc 3 GS chuyên ngành ngoài trường chấm để bảo đảm tính khách quan, công bằng.
Ngô Đức Mậu, nghiên cứu sinh Trường Đại học RMIT:
Siết chỉ tiêu tuyển sinh
Điều quan trọng đầu tiên là phải siết chặt công tác tuyển sinh. Chỉ tiêu tuyển chọn phải được xây dựng trên cơ sở đánh giá nhu cầu thật sự của xã hội, tập trung vào các nhóm đối tượng giảng viên, nghiên cứu thuộc các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, cán bộ làm việc trong các cơ quan hoạch định chính sách. Các yêu cầu đầu vào về kỹ năng thực hiện nghiên cứu độc lập, trình độ ngoại ngữ và khả năng viết báo cáo khoa học cũng phải được đáp ứng ngay ở khâu tuyển chọn.
Việc thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo phải được thực hiện bắt buộc, như công bố kết quả nghiên cứu thảo luận trên tạp chí khoa học, tham gia trình bày tại hội thảo khoa học trong nước và quốc tế (có phản biện) trước khi nộp luận án, đồng thời tuân thủ chặt chẽ quy định quốc tế về trích dẫn tham khảo. Bộ GD-ĐT phải xây dựng và đưa vào áp dụng quy định về chuẩn mực đạo đức trong nghiên cứu khoa học nói chung để bảo đảm tính khách quan và sự trung thực.
L.Anhghi