Kỳ thi đánh giá năng lực phục vụ tuyển sinh đại học chính quy năm 2015 của Đại học Quốc gia vừa kết thúc, được thí sinh và người nhà thí sinh đánh giá cao. Phương thức tổ chức thi là chỉ làm 1 bài thi để đánh giá năng lực thí sinh được nhiều chuyên gia giáo dục cho là khoa học, giảm được áp lực thi cử cho học sinh. Tuy nhiên, phương thức thi này chưa thể tổ chức đại trà, cần có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện cần thiết.

Đa số ý kiến các chuyên gia đều đánh giá cao những đổi mới trong phương thức tổ chức thi của Đại học Quốc gia Hà Nội, đó là kiểm tra năng lực toàn diện chứ không kiểm tra kiến thức các môn thi theo khối.

Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội cho biết, phương thức thi trên máy tính, đề thi theo dạng câu hỏi trắc nghiệm, thi trong 1 ca, thí sinh biết điểm sau khi kết thúc bài làm... vừa giảm được áp lực thi cử, vừa giảm chi phí cho thí sinh và gia đình so với phương thức truyền thống hiện nay. 
TS Nguyễn Tùng Lâm nói: “Việc tổ chức như thế là hết sức khoa học, đơn giản, gọn gàng khoa học cho học sinh. Đảm bảo tính chính xác, chống được hiện tượng tiêu cực và chỉ mất công làm đề và thiết kế chương trình, sử dụng đơn giản. Học sinh đều tiếp cận được với công nghệ thông tin. Với cá nhân tôi, thấy tin tưởng được và đánh giá cao Đại học Quốc gia vì chúng ta đang đánh giá năng lực chứ không phải học thuộc lòng”.
thi1_hpsj_molr.jpg
Một phòng thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN 

Với các câu hỏi ở nhiều lĩnh vực khác nhau, đề thi cũng kiểm tra được tính sáng tạo, vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết các vấn đề trong thực tiễn đối với học sinh. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, bài thi đánh giá năng lực chưa thực sự tương thích với phương pháp dạy và học ở bậc phổ thông hiện nay.

Giáo sư Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội phân tích: “Bài thi toàn diện đương nhiên sẽ toàn diện hơn là một bài thi chỉ có 3 môn hay 4 môn. Tuy nhiên, khi nó cũng tồn tại cả kỳ thi chung quốc gia và chỉ thi 3 môn hay 4 môn lại có cả thi toàn diện này tùy thuộc vào định hướng của học sinh rất nhiều. Cách dạy ở phổ thông vẫn là dạy theo khối thi. Các em nguyện vọng thi vào 1 trường kinh tế hay là xây dựng các em thi khối A, sẽ chỉ học chính mấy môn Toán, Lý, Hóa. Những học sinh quyết tâm thi vào Đại học Quốc gia  sẽ học toàn diện. Cho nên, việc đánh giá toàn diện cũng chỉ đúng với một bộ phận học sinh”.

Dù đánh giá những đổi mới trong tổ chức thi của Đại học Quốc gia Hà Nội đang đi đúng hướng với quá trình đổi mới dạy và học hiện hay, nhưng các chuyên gia cũng nhận định, thời điểm này chưa thể nhân rộng phương án bài thi đánh giá năng lực để xét tuyển sinh đại học, cao đẳng trên phạm vi toàn quốc. Bởi lẽ, để tổ chức phương án thi này vấn đề khó khăn nhất mà các trường gặp phải là khâu làm đề thi.

Ông Lê Trọng Thắng, Trường Đại học Mỏ- Địa chất nêu ý kiến: “Để nhân rộng cách làm này ra toàn quốc lại là một vấn đề chứ không đơn giản. Vì phải giải quyết được khâu đề. Khó nhất để có thể làm được thành công trước hết là khâu làm đề. Nếu có nhân rộng cũng mang tính chất tổ chức theo trường. Nếu tổ chức thi quốc gia chưa chắc đã hay, chắc chắn trong quá trình thực hiện sẽ có nhiều yếu tố về mặt kỹ thuật phải khắc phục. Nếu áp dụng phương pháp này chuyển kỳ thi tốt nghiệp về cho địa phương, kết quả sẽ rất khách quan, nhẹ nhàng khâu tổ chức. Về quản lý nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải đứng ra xây dựng một bộ đề chung cho toàn quốc. Hướng đó là hoàn toàn có thể xử lý được”.

Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội đã đánh dấu bước khởi đầu cho quá trình đổi mới kiểm tra, đánh giá và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng. Dù còn một số vấn đề kỹ thuật cần điều chỉnh trong những kỳ thi tiếp theo, nhưng hiệu quả lớn nhất mà kỳ thi này mang lại đó là giảm được áp lực thi cử, tiết kiệm chi phí cho thí sinh và người nhà thí sinh./.