Ngày 30/5, các thí sinh dự thi vào Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã làm bài thi đánh giá năng lực, lấy kết quả xét tuyển vào các trường thành viên của ĐHQGHN. Kỳ thi sẽ diễn ra trong các ngày 30, 31/5 và 1, 2 (ngày dự phòng là 3/6).

Năm 2015, ĐHQGHN thống nhất dùng bài thi đánh giá năng lực xét tuyển đại học chính quy. Thí sinh dự tuyển vào ĐHQGHN sẽ tham gia làm bài thi đánh giá năng lực được tổ chức vào 2 đợt: cuối tháng 5 và đầu tháng 8.

Bài thi được thực hiện trên máy tính tại các phòng thi tiêu chuẩn. Khi kết thúc bài làm, thí sinh sẽ biết ngay điểm bài thi của mình. Theo thống kê, có 45.350 thí sinh đăng ký dự thi đợt 1. Mỗi thí sinh làm một đề thi riêng do máy tính tổ hợp từ bộ cơ sở dữ liệu đề nguồn. 

dhqg19_kicm.jpg
Các thí sinh chuẩn bị làm bài thi đánh giá năng lực trong buổi chiều 30/5 (Ảnh: Quốc Toản)

Kết thúc ca thi buổi sáng, chiều 30/5, đã có 6247/6508 thí sinh đăng ký dự thi (chiếm 95,99%) có mặt để làm bài thi đánh giá năng lực. Điểm thi có tỷ lệ dự thi cao nhất là Hải Phòng, Nam Định - đạt 97,53%, thấp nhất là Đà Nẵng – đạt 91,67%.

Đáng chú ý, công tác vận hành và xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thi của ĐHQGHN đã được triển khai nhanh và hiệu quả hơn.

Phó Giám đốc Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong chiều 30/5, tỷ lệ thí sinh phải chuyển sang ca thi tiếp theo đã giảm nhiều so với ca thi buổi sáng cùng ngày. Dù thời tiết khắc nghiệt, nhưng hệ thống điều hành các phần mềm, đường kết nối máy chủ… tại các điểm thi vẫn vận hành tốt.

Tại 2 điểm thi là Trường Đại học Tự nhiên và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, để đảm bảo sức khỏe cho người nhà thí sinh giữa tiết trời oi ả, ĐHQGHN đã bố trí chỗ nghỉ ngơi cho họ trong lúc chờ đợi ở các khu vực có nhiều cây xanh, có nước uống.

Phó Giám đốc Nguyễn Kim Sơn khẳng định: “Đến hết ngày 30/5, ĐHQGHN vẫn ở thế chủ động, mọi việc vẫn trong tầm kiểm soát. Điểm đáng mừng nhất của kỳ thi là phần mềm đã hoạt động tốt. Mục tiêu quan trọng nhất của ĐHQGHN khi tổ chức kỳ thi này là đánh giá đúng năng lực của từng thí sinh”.

Ngày mai (31/5), các thí sinh sẽ tiếp tục so tài với bài thi đánh giá năng lực tại 9 cụm thi với 21 điểm thi ở 7 địa phương trên cả nước.

Với vai trò nòng cốt và tiên phong trong đổi mới hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, ĐHQGHN đã, đang và tiếp tục có những bước đi đột phá trong công tác đào tạo. Đánh giá năng lực toàn diện là phương thức tuyển sinh tiên tiến, được áp dụng ở nhiều nền giáo dục lớn trên thế giới.

Đây là phương thức nhằm đảm bảo lựa chọn được những ứng viên có năng lực học tập, tư duy logic, khả năng lập luận, phân tích kiến thức tổng hợp... Phương thức tuyển sinh này đã được ĐHQGHN thí điểm trong một số chuyên ngành sau đại học từ năm 2011 đến nay.

Kỳ thi đánh giá năng lực này được thực hiện theo đặt hàng của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong lộ trình đổi mới thi và đánh giá học sinh. Kỳ thi không chỉ có ưu điểm một bài thi chuẩn hoá, mà còn giúp thí sinh gia tăng cơ hội vào đại học./.