Từ sự việc đình công của Công ty TNHH PouYuen Việt Nam, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh đình công để bày tỏ quan điểm không đồng tình với quy định tại Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 về giải quyết bảo hiểm xã hội một lần, vấn đề đặt ra là người lao động được gì, mất gì nếu nhận khoản tiền “một cục” hoặc bảo lưu để khi có điều kiện thì tham gia đóng tiếp?
Để có cái nhìn đa chiều về vấn đề này, phóng viên VOV.VN đã trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về vấn đề này. GPS.TS. Nguyễn Thị Hương Lan khẳng định: Qua vụ việc đình công vừa rồi, có thể thấy người lao động chưa hiểu hết về điều 60, Luật BHXH năm 2014.
Theo phân tích của bà Nguyễn Thị Lan Hương: Theo Luật BHXH cũ, người lao động có thể lấy ra phần đóng BHXH khi nghỉ việc, còn luật mới thì quy định phải có điều kiện (đã được quy được trong luật mới). Mục đích của luật mới là phần đóng BHXH đó dành cho hưu trí của người lao động.
“Người lao động tham gia vào quỹ hưu, mà quỹ này dành cho họ khi về già. Số tiền này giống như gửi tiết kiệm vậy. Tuy nhiên, người lao động chưa hiểu, họ sợ bị mất đi. Điều quan trọng là cần phải tuyên truyền là khi người lao động lấy “một cục”, đồng nghĩa họ mất luôn số năm đã đóng bảo hiểm. Giả sử công nhân ở khu công nghiệp nghỉ việc, được thanh toán một lần và về nhà. Lúc đầu họ bảo sẽ không đi làm nữa mà đi làm nông dân. Nhưng nông dân giờ có bảo hiểm tự nguyện, nếu họ tham gia thì lại không được cộng dồn cho những năm trước đó, vì họ đã lấy tiền ra rồi, do đó phải tiếp tục đóng từ đầu. Như vậy người lao động sẽ thấy thiệt về số năm đóng bảo hiểm, đồng thời họ sẽ được hưởng tỷ lệ thấp khi nghỉ hưu” – PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương phân tích.
Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội chia sẻ, hiện nay có thông tin cho rằng quỹ bảo hiểm sẽ bị vỡ, đầu tư bảo hiểm không hiệu quả, thậm chí tham nhũng… cho nên người lao động có tâm lý cho rằng tiền đóng BHXH bị có nguy cơ bị “bốc hơi”, cho nên khi nghỉ việc thì lấy về nhà để đầu tư cho việc khác, mà không nghĩ về lâu dài.
PGS.TS. Nguyễn Thị Lan Hương nhấn mạnh, để giải quyết tốt hơn vấn đề này phải đi từ hai chiều. Một là cần tăng cường tuyên truyền nhận thức cho người dân về chế độ ưu việt khi tham gia BHXH, điều đó có nghĩa là để bảo đảm an sinh xã hội cho chính bản thân người lao động. Phải cho người lao động thấy để bảo lưu lại BHXH họ sẽ được gì, lấy về họ sẽ mất gì? Về lâu dài, việc giữ BHXH lại là hoàn toàn đúng, vì khi về già người lao động không có lương hưu thì họ sẽ xoay sở cho cuộc sống của mình ra sao?
Thứ hai, các nhà làm chính sách phải thấy trách nhiệm của mình là làm cho quỹ này được bảo tồn tốt, có giá trị tốt hơn, thực sự sau này số tiền đó không bị mất giá trị. “Tôi lấy ví dụ, nếu như chỉ giá tiêu dùng (CPI) tăng 7%, mà quỹ này tăng trưởng chỉ 6% thì người đóng bảo hiểm mất giá trị thực tế rồi. Đây cũng là trách nhiệm của các nhà quản lý” – bà Lan Hương nói.
Liên quan đến Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị là tới năm 2020 có ít nhất 50% lực lượng lao động tham gia BHXH. Hiện nay chỉ có 20%. Như vậy từ khi luật này có hiệu lực tới năm 2020 chỉ có 5 năm phải tăng thêm 30% nữa, điều này có gây “áp lực” lên điều 60 của Luật BHXH mới? PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương khẳng định, chủ trương tăng 50% số người đóng BHXH vào năm 2020 đi vào nhiều chiều.
Ở đây là sự mở rộng đối tượng tham gia, các khuyến khích của Nhà nước để thu hút người lao động tham gia BHXH, để thực hiện chủ trương bảo đảm an sinh xã hội, việc giữ đối tượng đóng BHXH lại chỉ là một yếu tố nhỏ. Có thể nói, người lao động còn kiểu “ăn xổi” thì không có khái niệm về an sinh.
Bên cạnh đó, theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay trong quỹ bảo hiểm hưu, bình quân thực tế số tích lũy mà người lao động đóng có giá trị hưởng lương hưu trong 9 năm. Trên thực tế, theo Tổng cục Thống kê, đến năm 2017 Việt Nam sẽ chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số và tuổi thọ trung bình của người Việt Nam hiện nay là 73,2 tuổi. Như vậy, đa số người lao động sống lâu hơn thời gian “ước lượng” được hưởng lương hưu, do đó số tiền này sẽ do quỹ bảo hiểm, thậm chí Nhà nước phải trả.
Theo các chuyên gia, nhận “một cục” hay bảo lưu số năm đóng BHXH là quyền của người lao động và pháp luật tôn trọng quyền này. Tuy nhiên, người lao động nên có cái nhìn về lâu dài. Nếu nếu đối tượng nhận trợ cấp một lần, đến cuối đời, hết tuổi lao động sẽ không có chế độ hưu trí. Điều này có thể thấy ở những đối tượng nhận chế độ 176 trước đây. Do đó, người lao động hãy nghĩ về tuổi già khi họ còn trẻ./.