Mỗi năm, Việt Nam có gần 5.000 trẻ em ra đời bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm. Đó là thông tin được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết tại Lễ kỷ niệm 1 năm thành lập Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec tổ chức ngày 11/11 tại Hà Nội.

Theo một nghiên cứu của Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Đại học Y Hà Nội, tỉ lệ vô sinh ở các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ (từ 15 đến 49 tuổi) ở nước ta là 7,7%, tức là Việt Nam hiện có gần 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh. Trong đó, tỷ lệ vô sinh ở nữ giới là hơn 40%, nam giới gần 40%, còn lại 20% là do cả vợ và chồng.

thu_tinh_trong_ong_nghiem_seol.jpg
Hàng chục trẻ em được sinh ra từ phương pháp thụ tinh ống nghiệm

Đáng báo động là tỷ lệ vô sinh có xu hướng tăng và ngày càng trẻ hóa. Có khoảng 50% cặp vợ chồng vô sinh có độ tuổi dưới 30. Trường hợp ít tuổi nhất là dưới 20 tuổi, vừa cưới xong đã phải hỗ trợ sinh sản bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.

Hiện cả nước có hơn 20 trung tâm thực hiện được kỹ thuật này. Trong đó một số trung tâm hỗ trợ sinh sản có tỷ lệ thành công cao, tương đương các nước phát triển trên thế giới, thậm chí cao hơn một số nước phát triển trong khu vực. 

Chẳng hạn, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản xủa Bệnh viện Phụ sản Trung ương có tỷ lệ thành công hơn 50%, mỗi năm thực hiện 4000 chu kỳ hỗ trợ sinh sản, với gần 1500 trẻ được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, sau 1 năm thành lập đã hỗ trợ sinh sản cho hơn 200 cặp vợ chồng hiếm muộn với tỷ lệ có thai lâm sàng đạt 43,3%.

Giáo sư Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Trung  Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết:“Một năm, ở nước ta có trên 10.000 cặp vợ chồng cần thụ tinh trong ống nghiệm để có con. Nhưng đến nay mới có 22 trung tâm hỗ trợ sinh sản, trong đó có trung tâm thực hiện được hàng chục nghìn chu kỳ nhưng có những trung tâm chỉ thực hiện được vài trăm chu kỳ.

Trong điều trị vô sinh, quan trọng nhất là các kỹ thuật, phương tiện chẩn đoán để tìm ra nguyên nhân, lúc đó mới đưa ra được biện pháp điều trị cho bệnh nhân. Có những trường hợp khi đi khám thì phát hiện không có tử cung, nhưng người ta vẫn có buồng trứng. Những trường hợp này nếu không thụ tinh ống nghiệm và mang thai hộ thì không thể có con”./.