Đoàn các bác sĩ Việt Nam (gần 40 đại biểu) đang tham dự Hội nghị lần thứ 5 Hội Y học sinh sản Châu Á- Thái Bình Dương (ASPIRE 2014) tại Brisbane, Australia. ASPIRE 2014 có chủ đề "Tương lai của Y học sinh sản trong kỷ nguyên châu Á", diễn ra trong 3 ngày từ 4/4 đến 6/4/2014, quy tụ khoảng 1.400 đại biểu đến từ 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là hội nghị chuyên ngành hỗ trợ sinh sản lớn nhất, uy tín nhất khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, một sự kiện rất được mong đợi trong giới chuyên môn.
Các bác sĩ Việt Nam trình bày tổng cộng 20 báo cáo tại hội nghị, trong đó có 2 báo cáo của diễn giả khách mời (invited speaker- là một khái niệm rất vinh dự trong các hội nghị quốc tế lớn), là các báo cáo của Ths BS Hồ Mạnh Tường và Ths BS Vương Thị Ngọc Lan.
Từ Brisbane, ThS BS Hồ Mạnh Tường (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu di truyền và sức khỏe sinh sản-CGRH) cho biết: “Đoàn Việt Nam lần đầu tiên tham gia hầu như tất cả các hoạt động của hội nghị quan trọng này: Họp ban tổ chức, Ban chấp hành ASPIRE, Ban Giám khảo giải thưởng khoa học hội nghị, trình bày các hình thức báo cáo, tham dự các giải thưởng khoa học... Việt Nam có 2 invited speakers trong hội nghị này, nghĩa là chúng ta được khu vực công nhận là chuyên gia đẳng cấp khu vực về vấn đề được mời báo cáo. Không còn là đi học hỏi kinh nghiệm nữa, ta đi là để thi thố và trao đổi sòng phẳng với đồng nghiệp trên thế giới”.
* Thưa bác sĩ Hồ Mạnh Tường, xin bác sĩ cho biết cụ thể hơn về các báo cáo của Việt Nam tại ASPIRE 2014 ? Các báo cáo đã trình bày trong 2 ngày qua được hội nghị đánh giá ra sao ?
BS Hồ Mạnh Tường:Việt Nam có 2 bài phát biểu quan trọng, mỗi bài 45' (trình bày 30' và trả lời câu hỏi thảo luận 15') . Đây là 2 bài về 2 phác đồ điều trị mà Việt Nam là một những nước có nhiều kinh nghiệm nhất trong khu vực: (1) Nuôi trứng trưởng thành trong ống nghiệm (IVM) và (2) Kích thích buồng trứng ở những bệnh nhân nhẹ cân.
Cả hai bài nói đều được các đồng nghiệp trong khu vực quan tâm và thảo luận sôi nổi. Các bài nói này tiếp tục khẳng định thế mạnh của Việt Nam trong khu vực về lãnh vực này.
Ngoài ra, Việt Nam còn có 1 bài báo cáo về một vấn đề mới trong kích thích buồng trứng là xét nghiệm AMH để định liều thuốc. Trong khu vực hiện nay, Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong lãnh vực này. Hội thảo quan trọng này chỉ có 3 báo cáo: 1 từ châu Âu, 1 của Việt Nam và 1 của Mỹ. Như vậy Việt Nam là đại diện duy nhất của khu vực trong hội thảo quan trọng này nói về vấn đề đó.
3 báo cáo quan trọng này tại hội nghị đã tiếp tục khẳng định vị thế về học thuật và chuyên môn của Việt Nam trong khu vực.
Đoàn Việt Nam còn trình bày 4 báo cáo khác: 2 báo cáo 15' và 2 báo cáo 5' tại các hội thảo nhỏ khác trong chương trình hội nghị. Các báo cáo này phải vượt qua hàng trăm báo cáo khác để được chọn trình bày tại các hội thảo.
Ngoài ra, Việt Nam còn có 13 báo cáo dưới dạng poster (bảng treo) với nhiều đề tài khác nhau.
Như vậy Việt Nam đứng thứ 5 ở hội nghị châu Á - Thái Bình Dương về tổng số đề tài báo cáo tại hội nghị.
Các đồng nghiệp trong khu vực đều chúc mừng sự tiến bộ vượt bậc của Việt Nam trong thời gia gần đây và công nhận Việt Nam là một trong những trường phái mạnh trong khu vực về kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
* Được biết, tỷ lệ thành công của thụ tinh trong ống nghiệm ở Việt Nam cao hơn so với trung bình ở nước ngoài; hiện nay có nhiều bệnh nhân nước ngoài cũng đến Việt Nam để chữa hiếm muộn… Theo bác sĩ, thành công này là do những yếu tố nào ?BS Hồ Mạnh Tường: Có thể nói, nhóm dẫn đầu về kỹ thuật này ở Việt Nam là những người trẻ, có năng lực và đã có nhiều năm kinh nghiệm trong nghiên cứu lãnh vực. Nhóm này được đào tạo bài bản về kiến thức, giỏi ngoại ngữ và kiến thức về nghiên cứu khoa học. Đây là những yếu tố cần thiết để cập nhật nhanh chóng kiến thức mới và có thể cạnh tranh với các đồng nghiệp trong khu vực và thế giới.
Thứ hai là sự trao đổi và chia sẻ kiến thức giữa các bệnh viện trong nước rất tốt. Đa số các trung tâm ở Việt Nam đều cập nhật rất tốt các kỹ thuật mới trên thế giới.
Nguyên nhân thứ 3, các trung tâm đều đầu tư các trang thiết bị mới và áp dụng các phác đồ mới.
Cuối cùng là: người Việt Nam khéo tay, cần cù và tỉ mỉ hơn người nhiều nước khác nên có tỷ lệ thành công cao hơn trong kỹ thuật này.
Các chuyên viên thực hành Y học sinh sản của CGRH làm việc trên kính hiển vi soi nổi |
* Vậy thưa bác sĩ, vì sao vẫn có những cặp vợ chồng hiếm muộn người Việt Nam sang Thái Lan để chữa trị, với chi phí tốn kém hơn rất nhiều so với điều trị ở Việt Nam?
BS Hồ Mạnh Tường: Hiện nay, số người từ nước ngoài (bao gồm cả Việt kiều), sang Việt Nam để điều trị hiếm muộn hàng năm ước tính khoảng 150 trường hợp.
Về mặt học thuật về kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, Việt Nam được đánh gia cao hơn Thái Lan. Người Việt mình đi ra nước ngoài điều trị vì một hay nhiều lý do sau:
- Lựa chọn giới tính- Dịch vụ (chăm sóc, giường bệnh...) ở nước ngoài tốt hơn- Lý do tế nhị: không muốn nhiều người xung quanh biết là mình bị hiếm muộn, phải điều trị- Mang thai hộ- Nghe theo quảng cáo cho rằng bác sĩ nước ngoài…giỏi hơn!.
* Tỷ lệ vô sinh ở Việt Nam có cao hơn ở các nước lân cận không, thưa bác sĩ? Nếu có thì đâu là nguyên nhân chính?
BS Hồ Mạnh Tường: Theo một nghiên cứu cấp Bộ Y tế thực hiện trên cả nước cách đây 3 năm, tỉ lệ hiếm muộn trong cộng đồng ở Việt Nam hiện nay là 7,7%. Tỉ lệ này không cao hơn các nước trên thế giới. (Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, khoảng 1/6 các cặp vợ chồng trong tuổi sinh sản có thể có vấn đề hiếm muộn).
Tuy nhiên, hiếm muộn ở các cặp vợ chồng Việt Nam có khuynh hướng tăng so với trước đây, vì một số nguyên nhân sau:
- Một số bệnh lý, trong đó có bệnh nhiễm trùng- Ô nhiễm môi trường, lối sống không giữ gìn sức khỏe- Tuổi bắt đầu có thai (trung bình) ngày càng tăng. Mà rõ ràng càng lớn tuổi càng khó có có thai./.