Bến xe ở Hà Nội không kỳ vọng có nhiều  khách đi lại tịp Tết

Theo ông Nguyễn Anh Toàn, Giám đốc Công ty cổ phần bến xe Hà Nội, dự kiến lượng khách đi lại qua các bến trong kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sẽ không đông, dù lượng khách sẽ có tăng lên nhưng không vượt năng lực vận chuyển theo biểu đồ vận hành tại các bến xe.

Ông Toàn nhận định, số ngày nghỉ Tết Nguyên Đán Nhâm Dần kéo dài 9 ngày, từ ngày 29/1 (tức ngày 27 tháng Chạp năm Tân Sửu) đến hết ngày 6/2/2022 (tức ngày mùng 6 tháng Giêng năm Nhâm Dần), tuy nhiên do tình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh thành dẫn đến việc còn hạn chế các phương tiện vận tải hành khách lưu thông, các ca F0 tăng nhanh nên tâm lý người dân lo ngại việc di chuyển bằng xe khách.

Vì vậy, ông Toàn đưa ra đánh giá dự kiến lượng hành khách đi lại qua các bến sẽ không cao.

Dự kiến, trong các ngày 21-22 và ngày 26-29 tháng Chạp, lượng khách trên các bến xe sẽ tăng 300% so với ngày thường, tuy nhiên do thường ngày lượng khách thấp nên việc tăng lên của lượng hành khách sẽ không vượt năng lực vận chuyển theo biểu đồ vận hành tại các bến xe và bình quân lượt khách trên xe sẽ chỉ đạt 50% tải trọng thiết kế.

Cụ thể trong thời gian trên, tại bến xe Mỹ Đình lượng khách qua bến khoảng 4.000 lượt/ngày và lượt xe là 380 lượt/ngày; tại bến xe Giáp Bát là 4.200 lượt khách/ngày và 400 lượt xe/ngày; bến xe Gia Lâm là 1.600 lượt khách/ngày và 220 lượt xe/ngày.

“Công ty tập trung đề nghị các doanh nghiệp vận tải trên tuyến chuẩn bị tốt phương tiện để hoạt động theo biểu đồ và cơ bản không cần tăng cường phương tiện”, ông Toàn cho hay.

Nhìn nhận một số tỉnh thành đang tiếp tục có các yêu cầu giãn giảm và dừng các tuyến trong vùng dịch màu đỏ, ông Toàn cho rằng, Công ty tiếp tục cập nhật các thông tin mới về hoạt động vận tải để thông báo kịp thời đến hành khách.

Bên cạnh đó, Công ty cổ phần bến xe Hà Nội chỉ đạo các bến xe phải phối hợp với Trung tâm y tế dự phòng địa phương trực thường xuyên để kịp thời xử lý các sự cố xảy ra; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền phòng chống dịch, yêu cầu các doanh nghiệp vận tải và hành khách trên bến thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch.

Công ty cổ phần bến xe Hà Nội đề nghị các đơn vị vận tải chuẩn bị tốt về phương tiện vận tải để phục vụ hành khách: đảm bảo chất lượng kỹ thuật phương tiện theo quy định hiện hành, đảm bảo xe chạy theo đúng đăng ký trên biểu đồ tuyến và biểu đồ xe tăng cường đã cam kết, đặc biệt đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19 theo đúng quy định…

Nhu cầu bay Tết Nguyên đán bất ngờ tăng

Trái ngược với đường bộ, thống kê của Cục Hàng không Việt Nam cho biết, nhu cầu hành khách đi trên đường bay TP.HCM - Hà Nội và từ TP.HCM đi/đến các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung, miền Bắc trong giai đoạn này tăng mạnh trở lại với hệ số sử dụng ghế đều đạt trên 70%. Các hãng cũng đã khai thác hết số lượng chuyến bay đã được phân bổ.

Theo đó, đường bay TP.HCM - Hà Nội, các hãng khai thác với tổng tần suất 25 chuyến bay khứ hồi/ngày với hệ số sử dụng ghế đạt 73%. Đường bay TP.HCM đi/đến Đắc Lắk, các hãng khai thác với tổng tần suất 9 chuyến bay khứ hồi/ngày, đạt 85%.

Các đường bay từ TP.HCM đi/đến Lâm Đồng, Hải Phòng, Huế, Gia Lai, Thanh Hóa, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Bình và Nghệ An khai thác với tổng tần suất 9 chuyến bay khứ hồi/ngày, hệ số sử dụng ghế trên các đường này đều đạt trên 70% (tháng 12/2021 chỉ đạt khoảng 50- 60%).

Theo báo cáo từ hệ thống đặt giữ chỗ của các hãng hàng không, tỷ lệ khách đặt giữ chỗ trên các đường bay TP.HCM - Hà Nội và từ TP.HCM đi/đến các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung, miền Bắc tăng trở lại, trái ngược so với dự đoán trước đó của các hãng hàng không.

Tỷ lệ hành khách đặt giữ chỗ trên hệ thống của các hãng đều trên 50% trong đó có những thời điểm tỷ lệ này còn lên đến trên 90%.

“Với kết quả khai thác thời gian vừa qua và tỷ lệ đặt chỗ cho giai đoạn Tết Nguyên đán, có thể thấy nhu cầu đi lại của nhân dân từ TP.HCM về các địa phương trong cả nước vào giai đoạn Tết Nguyên đán đã tăng trở lại và cần được đáp ứng”, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết.

Cũng theo ông Thắng, đối với đường bay trục và các đường bay từ Hà Nội đi/đến các địa phương khác, tỷ lệ đặt giữ chỗ của hành khách vẫn còn thấp. Tỷ lệ đặt giữ chỗ trên đường bay TP.HCM - Hà Nội chỉ đạt ở mức trên 30%.

Bên cạnh đó, giá vé máy bay Tết thời điểm này vẫn ở mức thấp so năm ngoái, do vậy việc tăng tải cung ứng trên các đường bay trục và các đường bay từ Hà Nội đi/đến các địa phương khác sẽ được xem xét khi có nhu cầu.

Ông Thắng cho biết, theo Quyết định 2233 của Cục Hàng không, giai đoạn Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 (từ ngày 19/1/2022 đến 16/2/2022) về tần suất khai thác được điều tiết trên các đường bay nội địa. Lượng cung ứng trong giai đoạn này ở mức 70-75% so với Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, tương đương 14.000 chuyến bay với khoảng 2,7 triệu ghế cung ứng.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, các hãng hàng không đã xây dựng phương án vận chuyển cho giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 với mức độ tương đương với dịp cao điểm Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Để đáp ứng tối đa nhu cầu đi lại của nhân dân trên các đường bay nội địa, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT cho phép chủ động xem xét việc tăng tải cung ứng giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 (có tham vấn ý kiến của Hội đồng điều phối giờ hạ cất cánh tại các cảng hàng không sân bay Việt Nam) trên cơ sở đường bay có hệ số sử dụng ghế trên 70%; có lượng đặt chỗ cao (trên 50%) và theo đề nghị của hãng hàng không. Việc xem xét tăng tải áp dụng từ ngày 14/1/2022./.