Là một trong những luật sư đã ký vào Thư yêu cầu khẩn cấp gửi đến Thủ tướng chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND TP Hà Nội, luật sư Lê Luân, Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng, sau khi nhận được thông tin Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội quyết định dừng việc chặt hạ, thay thế cây xanh trên các tuyến phố của Thủ đô, ông cũng như nhiều người dân rất hoan nghênh quyết định này. 

Tiếng nói người dân đã được lắng nghe

lsu_ntvo.jpgLuật sư Lê Luân, Đoàn luật sư Hà Nội 
Luật sư Lê Luân cho biết, sáng 19/3, ông và 2 luật sư khác đã trực tiếp ký vào đơn đề nghị dừng chặt cây khẩn cấp để gửi đến Thủ tướng chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Sau đó chỉ 1 ngày (20/3) thì đã có quyết định của Chủ tịch UBND TPHN về việc dừng chặt hạ cây xanh trên địa bàn Hà Nội. Buổi chiều cùng ngày, Thành phố đã họp báo và trả lời, đối thoại với người dân để giải đáp, tiếp nhận các ý kiến, kiến nghị của mọi người dân. Như vậy, đây là một hành động đúng đắn và rất kịp thời của Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

“Những ngày qua dân chúng không chỉ Thủ đô mà cả nước đều rất bức xúc và có nhiều hành động thực tế để làm sao dừng việc chặt cây xanh. Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội rất kịp thời. Như vậy, tiếng nói người dân đã được lắng nghe, đã được tiếp thu và biến thành quyết định cụ thể của lãnh đạo thành phố Hà Nội”- luật sư Lê Luân nói.

Tuy nhiên, luật sư Lê Luân cho rằng, trong buổi họp báo có rất nhiều câu hỏi được đặt ra nhưng người đại diện UBND TP Hà Nội chưa trả lời thỏa đáng, đầy đủ các câu hỏi.

“Tôi và luật sư Trần Vũ Hải, luật sư Nguyễn Hà Luân đã nêu ra cụ thể việc kiến nghị với căn cứ Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 64/2010 về quản lý cây xanh đô thị. Và theo các căn cứ thực tế thì Hà Nội đã đốn hạ nhiều cây không đủ điều kiện chặt hạ. Và trong buổi họp báo chiều 20/3, đại diện TP Hà Nội vẫn chưa đưa ra câu trả lời thỏa đáng, chưa có căn cứ cụ thể để đối thoại, giải đáp cho người dân”- Luật sư Lê Luân nói.

Luật sư Lê Luân cho rằng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã nói rằng việc đốn hạ cây là nôn nóng do nhà tài trợ. Điều này quả thực không thỏa đáng. Vì việc chặt hạ cây hay thay thế đều là thực hiện theo đề án, theo quy trình, thủ tục, điều kiện luật định nên không thể đổ lỗi cho nhà tài trợ được. Họ không có thẩm quyền trong việc quyết định chặt, thay thế hay thời gian chặt hạ cây.

Cần công khai các vấn đề liên quan đốn hạ cây xanh

“Trong vụ việc này cần làm rõ và minh bạch hóa những vấn đề sau: Mục đích của đề án là gì? Đề án thực hiện như thế nào? Đơn vị thực hiện là ai? Thời gian thực hiện. Chặt những loại cây nào? Có theo trình tự và điều kiện đúng luật không? Và thay thế bằng loại cây thế nào? Nguồn kinh phí thực hiện do đâu? Việc chặt cây có được công khai và đảm bảo có sự giám sát không? Xử lý số gỗ sau khi chặt và nguồn tiền để mua cây thay thế như thế nào. Việc chặt hạ này có đánh giá tác động môi trường chưa? Đảm bảo quy hoạch và mỹ quan đô thị không?”- luật sư Lê Luân băn khoăn.

Rất nhiều cây xanh ở Thủ đô đã bị đốn hạ (ảnh: Quang Trung)
Theo luật sư Lê Luân, để giám sát và thực hiện quyền công dân của mình đối với đề án chặt cây này phụ thuộc vào việc minh bạch hóa và công khai của cơ quan có thẩm quyền về các vấn đề cần làm rõ. Khi đó người dân sẽ tự thấy và giám sát rất dễ dàng.

Tuy nhiên, để thực hiện tốt và chuẩn tắc việc này người dân rất cần UBND TP Hà Nội có những buổi đối thoại trực tiếp để lắng nghe cũng như giải trình rõ ràng, cụ thể từng vấn đề trong mỗi hoạt động của đề án thì sẽ đảm bảo các hoạt động diễn ra đúng đắn, hợp pháp và cả hợp lòng dân nữa.

“Chúng tôi, với tư cách người dân vẫn luôn theo sát vụ việc này vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, môi trường của người dân. Chúng tôi sẽ có những kiến nghị cụ thể, yêu cầu đối thoại trực tiếp khi cần thiết, có những cơ chế giám sát và phối hợp với các cơ quan công luận để cùng thực hiện các quyền của công dân đối với các hoạt động quản lý, các chính sách, dự án dân sinh, xã hội, môi trường của các cơ quan Nhà nước”- luật sư Luân nhấn mạnh./.