Những ngày qua, dư luận người dân thủ đô không khỏi bức xúc trước việc hàng trăm cây xanh tại nhiều tuyến phố của thủ đô bị đốn hạ hàng loạt theo chủ trương chặt hạ, thay thế 6.700 cây xanh trên 190 tuyến phố tại 10 quận nội thành do Sở Xây dựng đề nghị đã được lãnh đạo Hà Nội phê duyệt.

anh_phuong_vzku.jpg
Kiến trúc sư Nguyễn Hoàng Phương
Chia sẻ về vấn đề này, kiến trúc sư Nguyễn Hoàng Phương, người có tâm huyết với kiến trúc đô thị, thành viên Câu lạc bộ Điện ảnh kiến trúc cho rằng, “là một người dân tôi hiểu được những bức xúc của dư luận nhân dân thủ đô. Những bức xúc ấy của người dân bị đẩy lên bởi cảm giác đang bị coi thường. Chính quyền không thể nói dự án đã được phê duyệt và cứ thế tiến hành. Người dân không hiểu câu chuyện gì đang xảy ra khiến hàng nghìn cây xanh bị đốn hạ đồng loạt, trong khi rất nhiều cây xanh đã bị chặt bỏ, nhìn bên ngoài không thấy có dấu hiệu sâu mọt, bệnh tật. Nhiều gốc cây còn lại trên đường cho thấy đây là những cái cây hoàn toàn khỏe mạnh.

Kiến trúc sư Nguyễn Hoàng Phương cho rằng, những nhà quản lý về cây xanh chắc sẽ không bao giờ làm thế. Định chặt hạ một cây nào đó người ta phải có một quá trình theo dõi tình trạng của cây. Những cây phải chặt hạ là những cây nào, ở đâu, số lượng bao nhiêu và vì sao phải chặt chúng. Chúng ta vẫn đang sống trong mùa xuân, đúng mùa sinh trưởng của cây cối. Sắp tới, chúng ta đang chuẩn bị đối mặt với mùa hè nóng bức. Nếu thực sự có những cây xanh cần phải chặt, các nhà quản lý phải nghiên cứu kỹ về thời gian thực hiện, chặt như thế nào, phối hợp chặt và trồng xen cây mới ra sao. Yếu tố quan trọng nhất cần được quan tâm là tác dụng của cây với môi trường vì vậy không thể chặt cùng một lúc tất cả số cây cần chặt, làm như thế có thể gây ra một thảm họa môi trường. Cây xanh không chỉ tạo bóng mát, không chỉ là câu chuyện lá cây quang hợp để sinh ra Oxy, mà nó còn là nơi giữ bụi, thậm chí giữ nước. Một cơn mưa to đổ xuống nếu không có cây xanh để giữ lại, lượng nước xối xuống có thể khiến hệ thống cống của Hà Nội bị úng ngập, ách tắc. Tôi chắc rằng sắp tới chúng ta sẽ chứng kiến tình trạng đó.

Đang sống và làm việc tại Thụy Sỹ, kiến trúc sư Vũ Hoàng Sơn chia sẻ kinh nghiệm cho biết ở nước họ, muốn xây cất một ngôi nhà trên mảnh đất thuộc quyền sở hữu của cá nhân, khi làm hồ sơ xin phép, ngoài những yêu cầu về kết cấu kiến trúc, phòng cháy chữa cháy, hệ thống nước thải… còn phải trả lời có chặt cây xanh hay không. Nếu chính quyền phát hiện có chặt cây mà cái cây này có giá trị với thành phố, họ hoàn toàn có thể loại bỏ dự án xây dựng đó, hoặc yêu cầu phải thiết kế lại dù đó là cái cây nằm trên khu đất của mình.

Cây Vàng tâm mới được trồng thay thế cây bị chặt trên đường Nguyễn Chí Thanh 

Kiến trúc sư Vũ Hoàng Sơn nhấn mạnh, cho dù có những dự án phải chặt cây, có những lý lẽ đồng tình ủng hộ nhưng điều quan trọng nhất đối với người dân là dự án đó phải minh bạch. Nếu dự án này được làm một cách cẩn thận, nghiêm túc chắc chắn đã không có những phản ứng như hiện nay, và sẽ không khiến hàng nghìn người phải bức xúc, phải có ý kiến và phản ứng gay gắt.

“Để chứng minh dự án này là đúng, cơ quan xây dựng dự án cần công khai dự án đó, những người làm chuyên môn như chúng tôi hoàn toàn có thể hiểu được dự án đó được xây dựng có đúng không. Để có dự án, trước tiên phải khảo sát, cây không phải như những sản phẩm được sản xuất hàng loạt, mỗi cây có một “lý lịch” riêng, được trồng ngày nào, các tính chất của cây cối, về tự nhiên ra sao, hỏng đến đâu, bị bệnh gì, cần được chăm sóc ra sao. Nếu định chặt cây phải có được hồ sơ đó. Ở nước ngoài, muốn chặt phá cây trên đất nhà mình cũng phải xin phép đủ các cấp, trong khi ở ta cây ở ngoài đường, cơ quan chức năng lại tự cho mình quyền được chặt. Đó là sự vô lý, cực đoan”, kiến trúc sư Nguyễn Hoàng Phương bày tỏ.

Nhìn những cây vàng tâm trơ trụi đang được dựng lên trên đường Nguyễn Chí Thanh - con đường được mệnh danh hiện đại nhất thủ đô khiến người dân không khỏi tiếc nuối, bất an. Không hiểu đến bao giờ những cái cây đó mới cho bóng mát, chắc chắn phải rất lâu nữa. Người dân đóng thuế nộp ngân sách vì vậy họ có quyền được hỏi, và ở vụ việc này không phải 1, 2 người hỏi mà hàng nghìn người hỏi. Cơ quan chức năng có trách nhiệm phải trả lời họ một cách thỏa đáng./.