Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành Thông tư 22 về quy hoạch kho số viễn thông thay thế cho quy hoạch cũ và Quyết định số 53/2006 về việc phân bổ, sử dụng các loại mã, số viễn thông. Theo đó, từ ngày 1/3/2015, mã vùng điện thoại cố định của 59/63 tỉnh, thành phố sẽ thay đổi, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân và doanh nghiệp.
Theo quy định trong Thông tư 22, từ ngày 1/3, mã vùng điện thoại cố định của 59/63 tỉnh, thành phố sẽ thay đổi. Cụ thể, mã vùng điện thoại cố định của Hà Nội đổi từ 04 thành 024, thành phố Hồ Chí Minh từ 08 thành 028, Đà Nẵng từ 0511 thành 0236, Hải Phòng từ 031 thành 0225, Thừa Thiên - Huế từ 054 thành 0234… Chỉ có bốn tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình và Hà Giang giữ nguyên mã vùng. Người sử dụng sẽ có 60 ngày để gọi đồng thời cả đầu số cũ và đầu số mới. Sau đó, nhà cung cấp dịch vụ sẽ chuyển hẳn sang dịch vụ đầu số mã vùng mới.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, việc ban hành quy hoạch mới này nhằm sử dụng lâu dài, tiết kiệm, hiệu quả kho số... Nước ta đang có khoảng 130 triệu số thuê bao điện thoại cố định và điện thoại di động. Riêng số lượng thuê bao điện thoại cố định là gần 7 triệu, chiếm 5,4%. Trong khi xu hướng hiện nay, số lượng thuê bao điện thoại di động ngày càng tăng và thuê bao điện thoại cố định ngày càng giảm.
Sự thay đổi nhanh chóng về thị trường đòi hỏi phải tổ chức lại mạng lưới viễn thông và đồng bộ hóa kho số cho phù hợp với thông lệ quốc tế. Cũng theo Bộ Thông tin và Truyền thông, việc thay đổi sẽ giúp hàng chục năm sau sẽ không có thay đổi lớn về mã vùng điện thoại.
Theo ý kiến của nhiều người dân và doanh nghiệp, bất cứ sự thay đổi nào cũng đều gây ra sự xáo trộn nhất định. Chị Nguyễn Kim Loan, nhân viên marketing một công ty tư nhân cho biết, công ty chị vừa làm một loạt bảng hiệu, logo, phong bì, giấy headline, tờ rơi quảng cáo… cuối năm trước (2014), bây giờ đột ngột thay đổi mã vùng điện thoại nên sẽ phải thay đổi lại hết. Chưa kể số lượng card visit mới in cho nhân viên của công ty sẽ phải bỏ đi toàn bộ.
Đối với nhiều doanh nghiệp, lại tỏ ra khá bất ngờ trước thông tin thay đổi đầu số điện thoại. Theo ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa thành phố Hồ Chí Minh, chưa biết hiệu quả của việc thay đổi sẽ như thế nào, nhưng các doanh nghiệp vận tải chắc chắn sẽ phải chịu thiệt hại về kinh tế.
“Việc đổi đầu số mã vùng điện thoại, chúng tôi chưa biết sẽ ảnh hưởng đến mức nào với các doanh nghiệp vận tải hàng hóa. Nhưng trước mắt, sẽ mất thêm chi phí cho sự thay đổi giấy tờ, thủ tục là chắc chắn” – ông Bùi Văn Quản khẳng định.
Với 12.000 chiếc xe taxi phân bố khắp 53 tỉnh, thành phố trong cả nước, việc thay đổi mã vùng điện thoại cũng gây thiệt hại không nhỏ cho Tập đoàn Mai Linh. Ngoài việc làm lại biển hiệu, sơn sửa các chi tiết trên xe theo tính toán của doanh nghiệp sẽ tiêu tốn khoảng 1 triệu đồng/xe, thì việc thay đổi mã vùng cũng có nghĩa là thay đổi sự quen thuộc đối với thương hiệu mà công ty đã dày công xây dựng và được người tiêu dùng lựa chọn.
Ông Hồ Quốc Phi, Phó Chánh văn phòng Hội đồng quản trị Tập đoàn Mai Linh cho rằng: “Ngoài tổn thất có thể nhìn thấy được là mỗi lần có sự thay đổi, chúng tôi phải dừng xe kinh doanh ít nhất 1 buổi để làm. Với việc thay đổi mã vùng điện thoại lại tổn thất cả thương hiệu của doanh nghiệp. Chúng tôi đã tạo được ấn tượng cho người tiêu dùng với số điện thoại như vậy. Bây giờ thay đổi, chúng tôi lại phải làm lại từ đầu, làm sao để cho người tiêu dùng biết được điện thoại của chúng tôi đã thay đổi. Như vậy, nên chăng để một thời gian ít nhất 6 tháng để người tiêu dùng quen dần với số hotline của doanh nghiệp taxi”.
Tình hình kinh tế khó khăn, cả doanh nghiệp và người dân đang từng bước tìm hướng đi để cải thiện cuộc sống. Vì vậy, dù buộc phải thay đổi mã vùng để phát triển dịch vụ viễn thông quốc gia lâu dài, thì cơ quan quản lý cũng nên tính đến việc chọn thời điểm thực hiện thay đổi, cũng như tính toán lộ trình chuyển tiếp để người dân làm quen với mã vùng mới và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi cho phù hợp, tránh thiệt hại về kinh tế cho cả người dân và doanh nghiệp./.