Từ giữa tháng 8 vừa qua, khi TP. Đà Nẵng áp dụng biện pháp mạnh “ai ở đâu thì ở đó", Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng, Khu Công nghiệp Liên Chiểu, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng đã triển khai hoạt động sản xuất “3 tại chỗ”. Công ty đã thuê khách sạn Công đoàn Thanh Bình cách chỗ làm việc khoảng 15 km để làm chỗ ăn nghỉ cho người lao động. Đây là một địa điểm an toàn (vùng xanh) đảm bảo biệt lập, có xe đưa đón hàng ngày từ khách sạn tới Công ty và ngược lại.
Tại khu vực sản xuất, toàn bộ người lao động trong Công ty được yêu cầu giữ khoảng cách và tuyệt đối không tiếp xúc với người bên ngoài, tuân thủ thông điệp 5K và xét nghiệm 3 ngày/lần.
Trước yêu cầu nghiêm ngặt về phòng, chống dịch, Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng chỉ bố trí hơn 500 công nhân các phân xưởng sản xuất các sản phẩm trọng yếu xuất khẩu đi nước ngoài đi làm, còn lại bố trí làm việc trực tuyến luân phiên. Công ty bố trí bộ phận quản lý làm việc luân phiên thành hai nhóm. Mỗi nhóm tương đương 50% số lượng nhân viên đi làm, số nhân viên còn lại làm việc trực tuyến tại nhà. Tất cả các dịch vụ đảm bảo cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty như: vận chuyển hàng hóa, cung cấp suất ăn, cung cấp dịch vụ xe đưa đón, bảo vệ... đều thực hiện đúng quy định “3 tại chỗ” và thông điệp 5K.
Để bảo vệ sức khỏe người lao động, Công ty Cổ phần cao su Đà Nẵng đã ký hợp đồng với Bệnh viện Gia Đình thực hiện việc xét nghiệm SARS-CoV-2 cho toàn thể người lao động, 100% cán bộ, nhân viên và người lao động trong Công ty đều được tiêm vaccine phòng Covid-19.
Ông Lê Hoàng Khánh Nhựt, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng cho biết, tổng chi phí thực hiện “1 cung đường, 2 điểm đến” của Công ty ước tính đến ngày 5/9 tốn hơn 11 tỷ đồng nhưng đây là giải pháp tốt nhất để không đứt gãy sản xuất.
"Đối với công nhân, sau một thời gian làm ca thì phải có không gian riêng tư để tái tạo sức lao động. Nếu như ở tại chỗ, đây là doanh nghiệp sản xuất thì khu vực ở sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ của họ. Vì thế, Công ty quyết định đưa lực lượng trực tiếp sản xuất ra ngoài theo tinh thần điều kiện tốt nhất để công nhân có thể tái tạo sức lao động. Công ty cũng hỗ trợ thêm mỗi người lao động tại chỗ 200.000 đồng/ngày. Khi ở lại, chấp nhận phương án xa nhà để làm việc thì người lao động phải có được tinh thần và vật chất tương xứng phù hợp với sức lao động bỏ ra", ông Lê Hoàng Khánh Nhựt nói.
Trong thời gian TP. Đà Nẵng giãn cách triệt để, Cảng Đà Nẵng cũng đã nỗ lực duy trì hoạt động để các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa không bị đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng. Từ giữa tháng 8 đến nay, Công ty Cổ phần Cảng Đà Nẵng thực hiện mô hình “1 cung đường, 2 điểm đến”. Công ty thuê 3 khách sạn để bố trí cho gần 300 lao động ở lại làm việc.
Hàng ngày, cán bộ, nhân viên và người lao động được xe ô tô đón đến nơi làm việc, hết ca đưa về lại khách sạn ăn nghỉ. Việc ăn uống, sinh hoạt tại khách sạn được thuê bởi 1 công ty chuyên cung cấp suất ăn công nghiệp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Trần Lê Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cảng Đà Nẵng cho biết, việc thực hiện “1 cung đường, 2 điểm đến” chi phí rất lớn nhưng doanh nghiệp phải chấp nhận tốn kém để duy trì hoạt động. "Ưu tiên thứ nhất là phải phòng, chống dịch, có phòng, chống dịch tốt thì mới sản xuất được. Trước đây, đã quán triệt người lao động về chỉ ở nhà, cần thiết lắm mới ra ngoài. Trước khi vào nơi lưu trú thì bắt buộc phải xét nghiệm và hàng tuần cũng xét nghiệm PCR".
Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cho biết, từ khi TP. Đà Nẵng áp dụng biện pháp mạnh “ai ở đâu thì ở đó”, trong các Khu Công nghiệp ở TP. Đà Nẵng có khoảng 170 doanh nghiệp với hơn 15.000 công nhân đăng ký làm việc theo phương án “3 tại chỗ”. Các doanh nghiệp đã và đang tuân thủ tốt các quy định về phòng, chống dịch. Một số doanh nghiệp chủ động thuê cơ sở lưu trú ở ngoài cho người lao động ăn nghỉ và thực hiện “1 cung đường, 2 điểm đến” vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, vừa duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh, giữ bạn hàng.
Ông Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cho hay: "Với Công ty Cao su Đà Nẵng – DRC, vừa rồi lãnh đạo thành phố lên thăm, kiểm tra, họ làm rất tốt. DRC áp dụng “1 cung đường 2 điểm đến” họ chuẩn bị phương án cũng cũng rất tốt. Họ hợp đồng với y tế, tổ chức xét nghiệm rồi báo cáo kết quả. Chúng tôi sẽ làm việc rồi tổng kết lại mô hình "3 tại chỗ" cũng như tất cả các mô hình khác để có đánh giá phù hợp, chứ trong thời gian ngắn cũng chưa đánh giá hết được"./.