Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đặc biệt là số ca mắc tăng nhanh, trong đó, đa số là công nhân lao động, Bình Dương đã yêu cầu doanh nghiệp thực hiện các biện pháp giảm thiểu lây lan dịch bệnh.
Hai phương án được Bình Dương đưa ra và hướng dẫn doanh nghiệp là “3 tại chỗ”, ăn, ở, sản xuất tại nhà máy; “1 cung đường, 2 địa điểm”- hai địa điểm là nơi ở (khách sạn, ký túc xá) và nhà máy, công nhân có xe đưa rước. Nếu doanh nghiệp không thực hiện một trong hai phương án trên thì yêu cầu dừng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Sau khi nhận được thông báo, các doanh nghiệp đã gấp rút sắp xếp lại các khu vực trong nhà máy, tạo chỗ ăn, ở hợp vệ sinh cho người lao động. Đơn cử, tại Công ty TNHH Thực phẩm và Nước giải khát Joy, ở đường số 5, khu công nghiệp Tân Đông Hiệp B, phường Tân Đông Hiệp, thành phố Dĩ An, đã trưng dụng nhà kho, xưởng và văn phòng để lắp đặt giường tầng cho công nhân có chỗ nghỉ ngơi. Công ty còn thuê người nấu ăn, ký hợp đồng cung cấp thực phẩm với các đơn vị uy tín. Tất cả công nhân ở lại nhà máy ngoài lương còn được nhận hỗ trợ.
Ông Vũ Văn Hậu, đại diện Công ty TNHH Thực phẩm và Nước giải khát Joy cho biết, thực hiện phương án “3 tại chỗ”, công ty gặp không ít khó khăn và đặc biệt là chi phí phát sinh cao. Thế nhưng, để không đứt gãy chuỗi sản xuất, ban giám đốc và công nhân lao động đã quyết tâm cùng nhau vượt qua khó khăn này.
“Tạm thời công ty trích tất cả các nguồn quỹ có thể của công đoàn, ngân sách phòng bị để đảm bảo điều kiện làm việc cho công nhân, cũng như hỗ trợ gia đình công nhân; tăng cường xét nghiệm Covid-19. Điều kiện ăn uống, sinh hoạt, công ty đảm bảo tiêu chuẩn, sức khỏe, dinh dưỡng và chế độ làm việc cho công nhân” - ông Vũ Văn Hậu nói.
Công ty TNHH Kỹ nghệ gỗ Wanek, với 4 nhà máy ở Bình Dương thì đã có 3 nơi đã dừng sản xuất do có công nhân mắc Covid-19. Để hoàn thành đơn hàng cho khách, công ty duy trì hoạt động sản xuất nhà máy 3 ở thị xã Bến Cát với gần 6.000 công nhân bằng cả hai phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 địa điểm”. Công ty chuẩn bị chỗ ở cho công nhân ngay tại nhà máy và một khu lưu trú bên ngoài. Đối với công nhân ở khu lưu trú thì có xe đưa rước để đảm bảo an toàn.
Bà Nguyễn Thị Sơn Bình - Giám đốc nhân sự cấp cao, Chủ tịch Công ty TNHH Kỹ nghệ gỗ Wanek đánh giá cao sự hỗ trợ của Bình Dương trong việc bố trí chỗ ở cho hàng ngàn công nhân bị cách ly. Các nhà hảo tâm đã cung cấp lương thực, thực phẩm cho công nhân tại các địa điểm cách ly.
“Với doanh nghiệp đông lao động và đặc biệt khu công nghiệp thì cũng đề nghị chính quyền địa phương có những trao đổi và ưu tiên trong chiến dịch tiêm vaccine cho công nhân để ổn định sản xuất” - bà Bình đề nghị.
Theo thống kê, Bình Dương có khoảng 2.000 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp. Hiện, hơn 1.450 doanh nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm”.
Bà Đặng Thị Kim Chi- Chủ tịch Công đoàn Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore cho biết, gần 100% doanh nghiệp trong khu thực hiện phương án “3 tại chỗ” nhưng giảm số lượng công nhân ở lại nhà máy. Công nhân ở các doanh nghiệp cũng đã quen với việc ở lại nhà máy vừa sản xuất, vừa chống dịch.
“Hiện người lao động ở Bình Dương chưa được tiêm ngừa đầy đủ chính vì vậy ý thức phòng, chống dịch vẫn là quan trọng nhất. Tôi nghĩ nếu doanh nghiệp, người lao động cùng phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với cơ quan quản lý, chắc chắn Bình Dương sẽ sớm đẩy lùi dịch bệnh” - bà Chi nói.
Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương cho biết, các doanh nghiệp trên địa bàn không đủ điều kiện thực hiện 2 phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm” đã chủ động dừng sản xuất, cho công nhân tạm nghỉ việc. Đối với những trường hợp doanh nghiệp không đảm bảo an toàn phòng dịch nhưng lén lút sản xuất sẽ bị xử phạt, thậm chí rút giấy phép hoạt động./.