Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhiều công trình nước sinh hoạt được đầu tư xây dựng tại các huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi, nhằm giải quyết nhu cầu nước sinh hoạt, sản xuất cho đồng bào vùng cao. Điều gây nhiều bức xúc trong nhân dân là hàng loạt công trình đổ xuống nhiều tỷ đồng chưa kịp phát huy hiệu quả nay đã xuống cấp hoặc bỏ hoang gây lãng phí tiền của Nhà nước.

qqqq_vyyt.jpg
Hệ thống nước sinh hoạt tại huyện miền núi Trà Bồng bị hư hỏng,  người dân không được hưởng lợi 

Đã nhiều ngày nay, vợ chồng anh Đinh Văn Sáu ở thôn Hạ Liệt, xã Long Hiệp, huyện Minh Long, tỉnh Quảng Ngãi hôm nào cũng thức dậy từ 1 - 2  giờ sáng lội bộ hàng cây số để lấy nước về dùng. Bữa nào may thì kiếm được 1 - 2 can nước; hôm nào đi muộn đành trở về tay không.

Nắng nóng gay gắt kéo dài không chỉ làm ruộng đồng nứt nẻ, cây cối héo khô mà con người cũng quay quắt vì thiếu nước. Tất cả các giếng trong thôn đều cạn trơ đáy. Để có nước ăn uống, bà con phải ra gần mép sông đào giếng tạm, đan lồng quây xung quanh bảo vệ, san sẻ cho nhau từng gàu nước.

Theo anh Đinh Văn Sáu, năm nay nắng hạn xuất hiện sớm, sông suối cạn khô nên các giếng nước làm theo kiểu này cũng chẳng ăn thua: “Khoảng 1-2 giờ sáng mình đi hứng nước về dùng, người múc trước phải nhường cho người sau nữa. Nếu không có thì mình phải đi tìm trên các khe núi. Tắm giặt thì ra sông, lên khe suối đào sâu để tích lũy. Đi trễ thì phải đợi lâu”.

Trên địa bàn huyện miền núi Minh Long hiện có 33 công trình nước sinh hoạt. Tính ra mỗi xã được đầu tư xây dựng từ 5 đến 7 công trình nước sạch. Thế nhưng từ  nhiều năm nay, gần 300 hộ dân ở thôn Hạ Liệt, xã Long Hiệp, nơi chỉ cách Trung tâm huyện chừng hơn 1 cây số vẫn luôn sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Ông Lê Minh Chí, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Minh Long, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Hiện chỉ có  một số ít công trình hoạt động bình thường, còn lại hầu hết đã xuống cấp, hư hỏng hoặc không sử dụng được.

“Ở huyện có một số địa bàn như trung tâm xã Long Hiệp có nước từ thác Trắng về nhưng mà đường ống thì mới phục vụ được các tuyến ống chính dọc đường, còn khu vực đồng bào như thôn Lộc Xuyên và thôn Hạ Liệt, bà con năm nào cũng đề nghị làm công trình nước sinh hoạt nhưng qua khảo sát bà con nằm ven sườn đồi nên thì không có nguồn nước, suối thì lưu vực nhỏ nên mùa nắng thì cạn kiệt. Huyện dự kiến đầu tư nước phân tán, hỗ trợ cho bà con khoảng 3 triệu đồng rồi bà con bỏ thêm vô đóng giếng”, ông Lê Minh Trí nói.

Bể chứa nước sinh hoạt tại huyện Ba Tơ bị hư hỏng

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có gần 500 công trình nước sinh hoạt với tổng kinh phí đầu tư hơn 278 tỷ đồng. Trên thực tế mới có khoảng 45% số công trình này hoạt động bình thường, còn lại đã xuống cấp, hư hỏng. Cụ thể tại huyện miền núi Ba Tơ xây dựng 57 công trình với tổng kinh phí gần 29,5 tỷ đồng nhưng chỉ gần 1/3 trong số này hoạt động hiệu quả.

Ông Lê Hàn Phong, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, đa số các công trình nước sinh hoạt không phát huy hiệu quả do việc thiết kế, thi công chưa đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, công tác quản lý trong cộng đồng còn nhiều bất cập: “Trước hết là cộng đồng dân cư, chính quyền địa phương ở đó chưa xây dựng quy chế quản lý chặt chẽ cứ cho rằng đây là của nhà nước đầu tư nên đến cái vòi nước bị gãy, sạt hư chỗ nhỏ thôi người dân làm vẫn được nhưng mà họ cứ ỷ lại, trông chờ cho nên xuống cấp, hư hỏng. Bây giờ công trình nước đó ở địa phương nào, cụm dân cư nào thì phải bầu ra người quản lý và đóng góp tiền khi nó có hư hỏng, đồng thời vốn duy tu bảo dưỡng hàng năm của huyện cũng hỗ trợ cho các địa phương đó khắc phục dần”.

Trước thực trạng này, Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã tiến hành giám sát, làm rõ những bất cập và kiến nghị thanh tra toàn diện những công trình này. Ông Đỗ Văn Cường, Phó Ban Dân tộc Hội  đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Sau khi giám sát nhiều công trình nước sinh hoạt thì đầu tư, đưa ra khai thác giai đoạn đầu thì hiệu quả nhưng sau đó do công tác quản lý không chặt chẽ dẫn đến nhanh xuống cấp, hư hỏng, thậm chí có một số công trình sau thời gian vận hành, sử dụng không phát huy hiệu quả”.

Người dân rất bức xúc khi biết, 107 công trình nước sinh hoạt ở tỉnh Quảng Ngãi có sai phạm về khối lượng đầu tư với tổng số tiền là 1,6 tỉ đồng. Trong đó, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, Chủ tịch UBND các xã, chủ đầu tư thuộc UBND các huyện đều có sai phạm.

Ông Lê Văn Minh, Phó Giám đốc Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, hầu hết những công trình giao cho các huyện quản lý, qua thời gian, bão lũ làm hư hỏng, xuống cấp nhưng thiếu kinh phí nên không thể duy tu, sửa chữa được.

Theo ông Minh, đối với những công trình đầu tư không hiệu quả sẽ đề nghị bỏ để đầu tư xây dựng cái khác: “Thống kê, tính toán những công trình hư hỏng cần nâng cấp, tổng cộng có 484 công trình, phần kinh phí sửa chữa cũng lớn, cũng khoảng trên 50 tỷ đồng. Nghe nói Trung ương năm 2016 sẽ không còn chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch nữa, thì tỉnh phải có hướng cấp kinh phí duy tu, sửa chữa”.

Thật xót xa khi hàng trăm công trình nước sinh hoạt tại tỉnh Quảng Ngãi được đầu tư nhiều tỷ đồng nay phải bỏ hoang đang xuống cấp, hư hỏng. Trong lúc đó, những công trình do người dân tự bỏ tiền ra làm lại phát huy hiệu quả rõ rệt. Vậy mà, Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Quảng Ngãi rục rịch lập kế hoạch để sửa chữa, nâng cấp những công trình hư hỏng. Ai dám chắc khi đổ thêm tiền vào đấy hiệu quả sẽ như mong muốn?./.