Sau nhiều lần trì hoãn, tìm cách chờ giải cứu, tốn nhiều tiền của công sức cũng có lúc xuất hiện nhiều ý kiến khác nhau từ  phía các cơ quan ở địa phương và Trung ương, cuối cùng, khu biệt phủ xây dựng trái phép của gia đình ông Ngô Văn Quang đã được tháo dỡ mà không phải cưỡng chế.

Như tin đã đưa, sáng nay (12/12), gia đình ông Ngô Văn Quang tự tháo dỡ khu biệt thự xây dựng trái phép trên núi Hải Vân theo quyết định của UBND quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Người dân địa phương hoan nghênh tinh thần tự tháo dỡ của gia đình ông Quang. Việc phá dỡ biệt phủ 100 tỷ là bài học trong công tác quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng.  

Cổng biệt phủ, biểu tượng của khu biệt phủ của gia đình ông Ngô Văn Quang đã được tháo dỡ

8 giờ sáng nay, gia đình ông Ngô Văn Quang thuê nhân công tiến hành tháo dỡ biệt phủ, các nhà rường, mái ngói xây dựng trái phép. Việc tháo dỡ khu biệt phủ được tiến hành dưới sự giám sát của chính quyền địa phương. Ông Đàm Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu có mặt tại hiện trường đánh giá cao việc gia đình ông Quang tự tháo dỡ công trình này. 

Ông Mai Văn Điệp, người nhà ông Ngô Văn Quang  cho biết: "Cá nhân tôi làm ở đây đã 10 năm rồi. Bây giờ nhà nước bảo tháo dỡ trong vòng 50 ngày thì thật sự khó cho gia đình chúng tôi. Vì những công trình hạng mục ở đây là to lớn. Xin thành phố cho thời gian dài hơn một tý nữa. Mình tháo dỡ đi để sử dụng lại chứ không đập bỏ".

Ông Mai Văn Điệp -người nhà ông Quang đề xuất kéo dài thời gian tháo dỡ

Rất đông người dân có mặt tại hiện trường từ rất sớm. Hầu hết đều xót xa khi khối tài sản lớn bị tháo dỡ. Người dân ủng hộ tinh thần tự giác tháo dỡ của gia đình ông Quang mà không cần đến lực lượng cưỡng chế, giữ nghiêm phép nước. Nhiều người cho rằng nếu cơ quan chức năng làm tốt công tác quản lý quy hoạch, ngăn chặn việc xây dựng trái phép ngay từ đầu thì không gây ra sự lãng phí cho công dân như vậy. 

Ông Ngô Phùng, người dân tổ dân cư số 2, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng bày tỏ: “Bây giờ nhà nước tháo dỡ thì nhân dân chúng tôi cũng đồng ý. Nếu mà chính quyền trước đây mà chặn trước, đình chỉ sớm  thì không lãng phí cái này, vì cái này của cải quá nhiều”

Ông Lương Nguyễn Minh Triết,  Bí thư Quận ủy Liên Chiểu cho biết, công trình này chỉ tháo dỡ những căn nhà, biệt thự, cổng ngõ trái phép. Riêng những căn nhà cấp 4, cây cối vật dụng trong khu biệt thự đã xây dựng đúng quy hoạch thì vẫn giữ lại.

Ngói âm dương được dỡ để giữ lại chuyển đi nơi khác

Trước đó, ngày 8/12,  UBND quận Liên Chiểu ban hành quyết định thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nêu rõ thời gian thực hiện cưỡng chế là 50 ngày kể từ ngày nhận quyết định của Quận, thời gian hoàn thành cưỡng chế trước ngày 31/1/2016. 

Theo đó, yêu cầu ông Ngô Văn Quang, chủ đầu tư công trình xây dựng trái phép tại khu vực đồi Chim Chim, tiểu khu 11, rừng đặc dụng Nam Hải Vân, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu phải khôi phục lại tình trạng ban đầu trên khu đất rừng, tổng diện tích là 1411 mét vuông mà ông Ngô Văn Quang đã có hành vi vi phạm tự ý chuyển mục đích sử dụng để xây dựng các công trình trên đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

-Lãnh đạo quận Liên Chiểu-TP Đà Nẵng giám sát việc tháo dỡ

Như vậy, sau nhiều lần trì hoãn, tìm cách chờ giải cứu, tốn nhiều tiền của công sức cũng có lúc xuất hiện nhiều ý kiến khác nhau từ  phía các cơ quan ở địa phương và Trung ương, cuối cùng, khu biệt phủ xây dựng trái phép của gia đình ông Ngô Văn Quang đã được tháo dỡ mà không phải cưỡng chế. 

Bài học đắt giá từ vụ việc này là công tác quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng còn nhiều lỏng lẻo. Việc phân cấp cho địa phương, cơ quan chức năng không rõ ràng, trách nhiệm chồng chéo dẫn đến sự mất mát tiền của, giảm sút niềm tin trong nhân dân. 

Ông Quang thuê nhân công tháo dỡ nhà rường.

Ông Đàm Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết: Đây là một cái bài học trong công tác quản lý. Tuy nhiên, công tác phân cấp quản lý từ trước đến nay của các cấp có liên quan như Ban quản lý rừng, trước đây là Chi cục Kiểm lâm trước đây là những đơn vị có liên quan sự phối hợp chưa tốt. Chúng tôi tiếp tục kiến nghị hoàn chỉnh lại cơ  chế phối hợp. Trươc đây, cơ chế phối hợp giữa Ban Quản lý rừng rồi chính quyền địa phương rồi phường chưa tốt nên xảy ra tình trạng này, tiếp tục sẽ củng cố. Ông Hưng nói.

Ông Đàm Quang Hưng cũng cho biết, hiện toàn bộ khu vực này đã được giao về cho địa phương quản lý nên công tác quản lý giao đất, giao rừng sẽ đi vào quy cũ./.