Thời gian gần đây, hàng loạt các công trình xây dựng sai phép xuất hiện gây ồn ào dư luận. Cụ thể như vụ xây dựng tòa nhà cao tầng tại 8B Lê Trực (Ba Đình, Hà Nội), biệt phủ tại Hải Vân (Đà Nẵng)… và thậm chí có những công trình là di tích quốc gia cũng xây dựng trái phép, như Hương nghiêm pháp đường, công trình quy mô lớn, hai tầng và một gác mái được xây dựng không phép ngay vùng bảo vệ cấp 1 của di sản tại chùa Hương…
Qua những vụ việc này, dư luận đặt ra một số câu hỏi cần các cơ quan chức năng trả lời. Đội ngũ thanh tra xây dựng, phụ trách xây dựng có hệ thống chân rết về tận cơ sở, từng xã phường. Vậy tại sao “những con voi này lại chui lọt lỗ kim”, để đến khi dư luận, báo chí lên tiếng thì các ngành chức năng, các vị lãnh đạo địa phương mới “giật mình” tìm giải pháp khắc phục hậu quả?
Và vai trò của chính quyền cơ sở đang để ở đâu, họ đang làm gì mà để các sai phạm to tướng này ngang nhiên diễn ra. Chỉ đến khi sự đã rồi thì cơ quan quản lý cấp trên mới biết?
Lâu nay, với các công trình xây dựng cỡ nhỏ và vừa, đặc biệt là các công trình xây dựng dân dụng, thường thì các lực lượng chức năng “phạt xong cho tồn tại” và cách xử lý này cũng đã được áp dụng với một số công trình lớn (như công trình ở phố Đặng Dung, Hà Nội). Có lẽ vì tiền lệ này mà chủ đầu tư công trình 8B Lê Trực mới đưa ra sáng kiến xin giữ lại và hiến toàn bộ phần xây dựng sai phép cho Nhà nước?! Nhưng “sáng kiến” này đã không được Hà Nội chấp thuận. Lần này, với "biệt phủ Hải Vân" giải pháp "phạt cho tồn tại" lại tiếp tục được đưa ra và gây nhiều tranh cãi.
Dư luận đang hướng về Đà Nẵng xem cách giải quyết công trình sai phép này như thế nào? |
“Xử phạt rồi cho tồn tại” được áp dụng theo Thông tư số 02/2014. Thế nhưng, ngay khi Thông tư này được ban hành, đã có nhiều ý kiến khác nhau, trong đó có những ý kiến không đồng tình với quy định phạt tiền và cho tồn tại đối với các trường hợp xây dựng sai phép, không phép như quy định của Nghị định 121. Dư luận quan ngại rằng việc thực hiện quy định này có thể làm gia tăng các trường hợp sai phạm, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị. Bộ Xây dựng cũng đã hứa sẽ lắng nghe và tập hợp các ý kiến, tiến hành rà soát các quy định có liên quan tại Nghị định số 121/2013/NĐ-CP và Thông tư số 02/2014/TT-BXD để báo cáo Chính phủ. Nếu thấy còn có các quy điểm chưa thực sự phù hợp, Bộ sẽ kịp thời đề xuất với Chính phủ sửa đổi, bổ sung.
Thực tế, những người tôn trọng kỷ cương, phép nước, coi pháp luật là thượng tôn thì “sợ nhất” cách xử lý xong rồi lại cho tồn tại. Cách làm này hiện khá phổ biến ở các địa phương gây ra bệnh “nhờn luật”, nhiều người sẵn sàng vi phạm để nộp phạt. Vì xem ra, có phải nộp phạt thì vẫn có lợi hơn là làm đúng pháp luật.
Phạt cho tồn tại đã tạo ra một tiền lệ xấu. Người vi phạm coi việc của mình là “vặt vãnh” so với những sai phạm lớn ở các công trình khác. Thế nhưng, nếu cơ quan quản lý vẫn giữ cung cách xử lý lâu nay thì sai phạm nhỏ chẳng mấy chốc lại dẫn đến sai phạm lớn. Chính vì thế, dư luận cho rằng, không thể xử lý theo kiểu phạt cho tồn tại. Bởi vì, nếu xử không nghiêm, các trường hợp khác sẽ nhờn.
Còn một bất cập nữa trong tổ chức thực hiện là Nghị định 26/2013/NĐ-CP ngày 29-3-2013 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thanh tra xây dựng (Nghị định 26) - hiệu lực thi hành từ ngày 15/5/2013 đã thay đổi cơ bản về chức năng, nhiệm vụ của lực lượng thanh tra xây dựng theo mô hình quản lý trực thuộc Sở Xây dựng và Bộ Xây dựng, không còn ở cấp quận - huyện, phường – xã.
Thực hiện theo Nghị định này dẫn đến thực tế sự phối hợp giữa Đội thanh tra xây dựng địa bàn với UBND quận - huyện, phường - xã thiếu chặt chẽ, thiếu giám sát lẫn nhau, đùn đẩy trách nhiệm; thiếu kiểm tra, đôn đốc cán bộ quản lý trật tự đô thị tuần tra và xử lý các hành vi vi phạm trật tự xây dựng; buông lỏng quản lý địa bàn, dẫn đến cán bộ quản lý xây dựng có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho chủ đầu tư và đầu nậu xây dựng nhà không phép…
Tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội vừa diễn ra, có đại biểu nêu ý kiến đề xuất sửa đổi 2 văn bản là Thông tư 02 và Nghị định 26, nếu không sẽ không quản lý được công tác xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội.
Trở lại câu chuyện “biệt phủ Hải Vân”, Bí thư Đà Nẵng chính thức nêu quan điểm kiên quyết phá dỡ công trình sai phép và các đơn vị của thành phố Đà Nẵng cũng chuẩn bị lên phương án tháo dỡ công trình. Tuy nhiên, người dân vẫn còn tâm lý 50/50, chưa chắc chắn công trình sẽ bị tháo dỡ. Dư luận đang hồi hộp đón chờ xem “biệt thự hay luật pháp” sẽ đổ?/.