Như VOV.VN đã phản ánh, ngày 4/12, Thành ủy, UBND thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo UBND quận Liên Chiểu tổ chức thực hiện việc xử lý hành chính công trình xây dựng không phép của ông Ngô Văn Quang trên núi Hải Vân. Trong công văn gửi UBND quận Liên Chiểu, UBND thành phố Đà Nẵng nêu rõ, ngày 28/11, UBND thành phố chỉ đạo dừng tháo dỡ công trình này với lý do chờ kết luận của Thanh tra Chính phủ. Trước đó, Thanh tra Chính phủ lại viện lý do có đơn kiến nghị của nhân dân phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu nên phải thành lập đoàn vào kiểm tra. Vậy có gì bất thường không khi Thanh tra Chính phủ rất “nhiệt tình” trong việc cử Đoàn kiểm tra vào Đà Nẵng.
Khu biệt phủ của ông Ngô Văn Quang vẫn sừng sững tồn tại (ảnh chụp chiều 4/12) |
Chiều 4/12, khu biệt phủ của ông Ngô Văn Quang trên núi Hải Vân vẫn im ắng, kín cổng cao tường. Chỉ có một người đàn ông đứng tuổi, nói giọng Bắc giữ cửa, nội bất xuất ngoại bất nhập. Sau nhiều lần dò hỏi, phóng viên VOV đã gặp được người viết đơn kiến nghị cho giữ lại khu biệt phủ của ông Ngô Văn Quang. Đó là ông Trần Tình, Trưởng Ban Công tác Mặt trận Tổ dân phố số 2, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.
Ông Tình thừa nhận mình là người viết lá đơn kiến nghị gửi Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đề nghị giữ lại khu biệt thự với lý do phát triển du lịch, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Ông Trần Tình cho biết, trước đây không ai được bén mảng đến khu biệt phủ này nhưng Tết vừa rồi, ông Ngô Văn Quang hỗ trợ cho Tổ dân phố 100 suất quà, mỗi suất 500.000 đồng; đầu tư xây dựng 2 tuyến đường bê tông dẫn vào khu biệt thự cũng là đường cho dân đi.
Khi được hỏi, ông Quang làm gì mà giải quyết hàng trăm lao động tại địa phương thì ông Tình lúng túng nói rằng, ông Quang thuê dân vào quét dọn, chăm cây… Thế nhưng, người dân ở đây cho biết, khu biệt phủ vẫn kín cổng cao tường, không ai được vào?.
Ông Trần Tình người viết đơn gửi lãnh đạo thành phố Đà Nẵng xin cho tồn tại khu biệt phủ |
Vì sao ông Tình viết đơn gửi vượt cấp ra tận Thanh tra Chính phủ? Ông Trần Tình, trưởng Ban Công tác Mặt trận Tổ dân phố số 2, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu khẳng định, ông không gửi đơn ra Trung ương.
PV: Thưa ông, ai là người đi gửi lá đơn này ạ?
Ông Tình: Chính bản thân tôi.
PV: Ông gửi tới đâu ạ?
Ông Tình: gửi Fax, điện thoại, gửi tới HĐNDTP, UBNDTP và UBMTTQVN thành phố và quận
PV: Ông có gửi lên Thanh tra Chính phủ không ạ?
Ông Tình: Không. Thanh tra Chính phủ bữa đó trả lời là đơn của tôi là do thành phố chuyển ra ngoài kia.
Ông Hồ Văn Cư, Tổ trưởng Tổ dân phố số 2 cho biết ông và Bí thư Chi bộ ở đây không viết đơn và cũng không ký đơn kiến nghị. Dư luận đặt câu hỏi, trong khi đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân thường chuyển ngược về địa phương, chậm được giải quyết; thế vì sao một lá đơn kiến nghị của Ban Công tác Mặt trận khu dân cư đề nghị “giải cứu” cho đại gia vàng lại được các cơ quan thành phố Đà Nẵng chuyển ngay cho Thanh tra Chính phủ. Và chỉ trong thời gian ngắn, Thanh tra Chính phủ đề xuất thành lập ngay đoàn công tác vào Đà Nẵng can thiệp vào công việc của chính quyền địa phương để tạm dừng thực hiện Nghị quyết của HĐND thành phố về việc tháo dỡ khu biệt thự trái phép.
Chữ ký của ông Trần Tình và những người dân mà ông Trần Tình cho là ông đã vận động được trong Đơn kiến nghị của ông Trần Tình gửi các cơ quan thành phố Đà Nẵng |
Ông Trần Tình, Trưởng Ban công tác Mặt trận Tổ dân phố số 2 cũng cho biết, khi vào làm việc với lãnh đạo quận Liên Chiểu, Thanh tra Chính phủ có mời ông và Bí thư Chi bộ Tổ dân phố số 2 cùng dự. Tại đây, Thanh tra Chính phủ cho biết, ngoài lá đơn của tổ dân phố số 2 còn có đơn của Hội Cựu chiến binh quận Liên Chiểu.
Theo tìm hiểu của phóng viên VOV, lá đơn mà ông Tình cho là đơn của Hội Cựu Chiến binh quận Liên Chiểu lại đứng tên “Cán bộ và nhân dân quận Liên Chiểu đồng ký tên”, không có chữ ký của ai trong Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh quận Liên Chiểu?
Cũng có ý kiến cho rằng, đập phá 1 biệt thự 100 tỷ đồng thì thật tiếc. Nhưng cho dù nhiều hơn thế cũng phải đập bỏ để giữ nghiêm phép nước, củng cố niềm tin trong nhân dân. Tại hội nghị Thành ủy ngày 4/12, ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khẳng định: “Quan điểm của lãnh đạo thành phố là sẽ xử lý vụ này theo đúng quy định, sẽ cho tháo dỡ. Cũng có nhiều ý kiến phải thượng tôn pháp luật, quản lý nhà nước phải bằng pháp luật. Cũng có ý kiến cho rằng tài sản 100 tỷ đồng cũng là tài sản xã hội, đập đi có phải là lãng phí không. Tuy nhiên đến lúc này thì chúng ta phải thực hiện theo quy định, thực hiện cho công bằng, có lẽ biện pháp tháo dỡ là biện pháp cuối cùng”.
Biệt thự của ông Phan Như Thạch được đập bỏ |
Xin được nhắc lại là cuối năm 2014, 2 biệt thự xây dựng trái phép dưới chân núi Hải Vân bị phát hiện. Sau đó chính quyền địa phương đã xử phạt hành chính, HĐND thành phố Đà Nẵng ra Nghị quyết yêu cầu tháo dỡ. Ông Phan Như Thạch đã thực hiện tháo dỡ và nộp phạt vi phạm hành chính, được người dân địa phương hoan nghênh. Còn ông Ngô Văn Quang hẹn tới, hẹn lui, chờ giải cứu. Một số người dân dù vô tình hay cố ý cũng đã "hùa theo" ông Quang để giữ lại ngôi biệt thự trái luật này. Ngày hôm qua, Thành ủy, UBND thành phố Đà Nẵng đã có thái độ rõ ràng, kiên quyết tháo dỡ công trình xây dựng không phép này. Điều này phần nào đã củng cố được niềm tin trong nhân dân./.