Có những bài hát được sáng tác trong lúc phấn khởi, hào hứng, hoặc lúc dạt dào xúc cảm, nhưng cũng có bài hát được viết ra như một sự động viên chính mình, lại có những bài hát được viết ra trong một bối cảnh quyết liệt, mà bản thân người nhạc sĩ không chắc mình có còn được nghe “đứa con tinh thần” vang lên thành thanh âm hay không.

Bài hát đầu tiên viết về Hà Nội 12 ngày đêm chiến đấu – “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, được nhạc sĩ Phạm Tuyên viết dưới hầm trú bom của Đài TNVN đêm 27/12/1972 giữa lòng Thủ đô rực lửa chiến đấu. Trong những ngày khói lửa đó, “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” có sức lan tỏa mạnh mẽ, cổ vũ quân dân ta chiến đấu giành độc lập.

Tháng 12/1972, Đế quốc Mỹ chủ trương đưa miền Bắc Việt Nam trở về “thời kỳ đồ đá”, khởi đầu bằng việc sử dụng một lực lượng không quân hùng mạnh ném bom dữ dội Miền Bắc, buộc Hà Nội đầu hàng.

ha%20noi%20dien%20bien%20phu.jpg
Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không 1972 (ảnh tư liệu)

4h sáng 19/12, Đài phát sóng lớn nhất của ta ở Mễ Trì (Hà Nội) bị địch đánh sập. Ngày 20/12 địch tiếp tục ném bom Đài phát sóng ở Bạch Mai…, bộ đội phòng không ta đánh trả quyết liệt. Đêm 26/12, bộ đội ta bắn rơi 8 chiếc B52. Từ Sở chỉ huy tối cao, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra lời kêu gọi: “Kẻ địch thua đau và nhất định sẽ thất bại hoàn toàn. Nhưng, chúng vẫn ngoan cố kéo dài cuộc tập kích. Các đơn vị hãy bắn rơi nhiều B52 hơn nữa, hãy giáng cho không quân Mỹ một đòn “Điện Biên Phủ” ngay trên bầu trời Hà Nội”.

Lời nói của Đại tướng đã truyền cho nhạc sĩ Phạm Tuyên niềm xúc động sâu sắc, những nốt nhạc đầu tiên của bài “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” lần lượt vang lên trong trí óc ông.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên chia sẻ: “Khi nghe chữ Điện Biên Phủ tôi có cảm giác rất khác và ngay đêm hôm ấy, ngồi trong hầm tôi viết bài “Hà Nội – Điện Biên Phủ”. Âm điệu ở đây không du dương mà quyết liệt bởi tôi muốn tỏ cho đế quốc Mỹ biết Hà Nội quyết liệt như thế nào”.

Nhạc sỹ Phạm Tuyên kể lại hồi ức Hà Nội oanh liệt một thời (ảnh: Hồng Hà)

Dẫu bom địch đang ném vào khu nhà nhạc sĩ ở, chiếc dương cầm của ông bị hỏng, tủ sách ông yêu quý không còn, nhưng ngay trong sáng 28/12, trên ghế đá, dưới gốc cây đa phố Hàng Trống, nhạc sĩ Phạm Tuyên hát vang “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” với công chúng Thủ đô.

Mặc cho tiếng còi báo động rền vang, tối 29/12, “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” được nhạc sĩ Phạm Tuyên cùng các nhạc sĩ Trần Thụ, Mạnh Hà thể hiện trên sóng Đài TNVN. Hà Nội vẫn đánh giặc, vẫn ca hát và ngâm thơ – đó là tín hiệu của một ngày chiến thắng không xa.

Nhà báo Nguyễn Lưu, thành viên đội tự vệ Hà Nội năm 1972 nhớ lại: “Sau khi ga Hàng Cỏ bị thả bom, An Dương, Khâm Thiên bị bom… chúng tôi vẫn chưa thấy sợ, nhưng đến khi Đài phát thanh bị bom lúc đó tâm lý run lắm rồi. Nhưng khi nghe bài hát “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” thấy có gì khác lắm, có gì kéo mình ở lại...”.

“Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” với ca từ đĩnh đạc, khỏe khoắn, có đoạn rắn rỏi, kiên định: “B52 tan xác cháy sáng bầu trời. Hào khí Thăng Long ánh lên ngời ngợi…”. Có đoạn lại hào hùng như tha thiết: “Hà Nội đây! Đế quốc Mỹ có nghe chăng câu trả lời của Hà Nội chúng ta? Đâu chỉ vì non nước riêng này. Phất ngọn cờ sao chính nghĩa…”.

Tác phẩm “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” đã khắc họa một Hà Nội gan góc, vững vàng. Trong gian khổ, hoạn nạn người Hà Nội thương yêu nhau hơn. Những cặp mắt thâm quầng sau nhiều đêm mất ngủ vẫn ánh lên một niền tin kiên định. Tác phẩm như lời động viên tiếp sức cho chiến sĩ, đồng bào cả nước đứng lên, như lời khẳng định cho chiến thắng.

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha – người lính Quảng Trị năm xưa không quên cảm xúc: “12 ngày đêm B52 oanh tạc bầu trời Thủ đô thì Quảng Trị máu lửa lại bình yên đến không ngờ. Khi chúng tôi ở Quảng Trị nghe bài hát của anh Phạm Tuyên vang trên Đài TNVN, anh em lính Quảng Trị đều chảy nước mắt. Đến bây giờ, tôi vẫn xúc động. Bài hát cho chúng tôi cảm giác được bù đắp bởi những gì mất mát ở mùa hè Quảng Trị năm 1972 đã được đền đáp. Đế quốc Mỹ đã cúi đầu trước Việt Nam!”.

Ngay sau đó, để chào mừng năm mới 1973, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã phát hành băng nhạc “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” với hình thức hợp xướng, do nghệ sĩ Trần Khánh lĩnh xướng. Nhiều ca sĩ đã đem bài hát đi phục vụ các trận địa phòng không quanh Hà Nội thời điểm đó. “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” được ví có sức thúc đẩy như bản giao hưởng chống Phát xít số 7 của nhạc sĩ nổi tiếng Dmitri Shostakovich…

40 năm đã qua, những dấu vết của những ngày khỏi lửa trên bầu trời Thủ đô chỉ còn trong bảo tàng, tượng đài kỷ niệm hay trí óc những người cao tuổi. Nhưng mạch nguồn hào hùng, quyết liệt ở “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” vẫn còn vang mãi.

Để rồi, trong những ngày này, chúng ta lại nhớ về 12 ngày đêm lịch sử đó, để nhắc cho thế hệ trẻ hôm nay biết ông cha ta đã sống và chiến đấu như thế, để như lời ca ngợi của bạn bè Quốc tế: "Việt Nam đã làm nên một huyền thoại!"./.NSND Trần Khánh và đồng ca Đài TNVN trình bày “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”: