Ngôi nhà nhỏ ngày xưa của Đại tướng trở thành trái tim của cả làng. Đêm như dài hơn và dân làng An Xá không ngủ, mong trời sáng để đón Bác Giáp, người con thân yêu của Làng về quê Mẹ. 

Đêm ở Làng An  Xá thật tĩnh mịch. Ngồi trong ngôi nhà lưu niệm của Đại tướng ở đầu làng có thể nghe rõ tiếng sóng nước Kiến Giang vỗ nhẹ bờ đá. Gió từ sông thổi vào, mùi hương trầm lan toả khắp nơi.

Mỗi lần về thăm quê, bác Giáp đều ghé thăm và ăn cơm với gia đình người bạn thân từ thời thơ ấu là ông Trần Chực. Bà Trần Thị Liên, con gái ông Chực luôn là người chuẩn bị bữa ăn để mời bác Giáp, người mà bà coi như bố đẻ của mình.

Một người dân An Xá đến viếng Đại tướng

Vừa qua bão số 10, con cá, con tôm trong làng khan hiếm nhưng bà cũng cố tìm cho được đúng những thức ăn mà bác Giáp ưa thích, dâng lên bàn thờ để cúng bác Giáp. Bà Liên nghẹn ngào: “Mong ngày mai Bác vào, con thắp nhang…mong được gặp Bác lần cuối. Nhà làm cơm, giống như là xưa bác đã về. Thường thì bác thích ăn cá bống nên tôi làm mâm cơm, có cá bống, có canh mướp.. thắp nhang mời Bác”.

Không ai bảo ai, dường như nhà nào cũng làm cơm cúng Bác Giáp. Ai cũng đến ngôi nhà lưu niệm này, mỗi người một tay, chuẩn bị để ngày mai đón Bác Giáp về quê. Khuya lắm rồi nhưng hai người phụ nữ ăn mặc khác hẳn người làng, thắt khăn tang giống như con cháu bác Giáp, vẫn cặm cụi sắp đặt hương hoa lên bàn thờ. Họ đến từ huyện vùng cao Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang và đi xe máy từ Hà Nội vào tận đây. Chị Vũ Kim Phong bộc bạch: “Về đến đây tôi thấy là con cháu của Cụ sống rất đơn sơ nhưng gia sản tinh thần mà Cụ để lại thì rất to lớn, còn mãi về sau, đó là lịch sử vẻ vang lưu truyền đời đời”.

Càng về khuya, bà con kéo đến ngôi nhà nhỏ của bác Giáp ở làng An Xá càng đông và không ai muốn về. Bà Nguyễn Thị Tố Huyên chỉ vào chiếc phản trong nhà và bảo: Mỗi lần về quê, bác Giáp hay nghỉ trưa trên chiếc phản này. Vì là người hát hay nhất trong làng, bà thường được hát tặng bác Giáp nghe những làn điệu dân ca của quê mình.

Bà Huyên cho biết: “Chúng tôi quá thương tiếc Bác. Qua sóng của đài TNVN, thay mặt cho bà con làng  An Xá, tôi muốn hát như mọi lần một bài dân ca lần cuối cùng để Bác mãi ra đi”. 

Giọng hò của bà Huyên nghẹn ngào. Từ nay, quê hương Lệ Thủy mất đi một người thân, đất nước mất đi một vị tướng tài ba. Một vì tinh tú sắp yên nghỉ giấc ngàn thu trong lòng Đất Mẹ. Nhưng, vì tinh tú ấy sẽ không bao giờ tắt mà sống mãi trong trái tim của triệu triệu con người, ông chính là Đại tướng của lòng dân./.