Những bức xúc, phẫn nộ sau khi xem hình ảnh bạo lực, phi giáo dục bên trong Trung tâm đào tạo trẻ tự kỷ Tâm Việt (Trung tâm Tâm Việt) khi còn đóng tại tầng 3 khu KTX trường Đại học TDTT Bắc Ninh (TX Từ Sơn, Bắc Ninh) còn chưa nguôi, thì những “góc khuất” khác từ việc tuyển giáo viên đến cách dạy và chăm sóc trẻ tại đây lại khiến dư luận thêm một lần “sốc”.
Những thông tin này do chính những người là giáo viên, phụ huynh nhưng phải tháo chạy khỏi Tâm Việt tiết lộ. Theo thông tin trên Vietnamnet, một phụ huynh đã đau đớn mất con sau 1 tháng gửi tại Tâm Việt thời điểm còn đóng ở Bắc Ninh. Hay câu chuyện cách đây 3 năm của một nữ Thạc sĩ chuyên ngành tâm lý, được nhận vào Tâm Việt làm giáo viên nhưng cũng phải tháo chạy sau 2 tuần thử việc…
Trung tâm Tâm Việt dạy xiếc cho trẻ em tự kỷ. |
Không thể dạy trẻ tự kỷ chỉ bằng “tâm huyết”
Thời điểm bài báo phơi bày “sự thật đáng sợ” bên trong Trung tâm đào tạo trẻ tự kỷ Tâm Việt tại tầng 3 khu KTX trường Đại học TDTT Bắc Ninh thu hút sự quan tâm của dư luận, trung tâm này đã chuyển về cơ sở mới tại Đông Hội, Đông Anh (Hà Nội). Theo ông Phan Quốc Việt - người sáng lập Tâm Việt Group, trung tâm đang liên kết với một phòng khám ở Đông Anh, Hà Nội và hoạt động với 5 giáo viên chính thức, cùng khoảng 40 học sinh. Chi phí hàng tháng của mỗi học sinh từ 0 đồng đến 15 triệu đồng. Tiếp xúc với phóng viên tại cơ sở mới, ông Việt tiếp tục gây sốc với thông tin trung tâm này tiếp nhận các cả đối tượng nghiện game, nghiện rượu… vào cùng với trẻ tự kỷ.
Đến nay, không ít luồng ý kiến tiếp tục bức xúc trước các thông tin liên quan đến Trung tâm Tâm Việt. Chia sẻ bên hành lang Quốc hội, đại biểu Ngô Thị Kim Yến (đoàn Đà Nẵng) nói: “Tôi không rõ họ có giấy phép hay không và giấy phép đó thực hiện theo công tác khám, chữa bệnh hay giấy phép về tập hợp để nuôi trẻ. Nếu là cơ sở chăm sóc trẻ tự kỷ, tôi không hiểu vì sao cơ sở này có thể được cấp phép để hoạt động, bởi về mặt nguyên tắc khi trẻ bị bệnh thì phải được điều trị, mà điều trị thì phải là cán bộ có chuyên môn và bằng cấp”.
Là một người làm trong ngành y tế, bà Kim Yến khẳng định, điều trị trẻ tự kỷ rất là khó, cần rất nhiều thời gian và cần bác sĩ chuyên sâu về lĩnh vực sức khỏe tâm thần.
“Phương châm của ông Phan Quốc Việt là “không cần hiểu biết chỉ cần "tâm huyết”, nhưng dưới góc độ là một người làm việc trong ngành y tế, tôi nghĩ rằng nó liên quan đến sức khỏe của trẻ em, đặc biệt là trẻ tự kỷ thì không thể nói rằng chăm sóc và dạy dỗ mà không có trình độ chuyên môn”, đại biểu đoàn Đà Nẵng khẳng định.
Dạy trẻ tự kỷ phải có “trái tim và tình yêu”
Không thể “chữa” trẻ tự kỷ thành thần đồng hay thiên tài
Theo Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Đặng Hoa Nam, để xảy ra những sự việc đáng tiếc gây bức xúc tại Trung tâm Tâm Việt có nguyên nhân từ việc chưa có những hướng dẫn, quy định một cách chi tiết cụ thể, đặc biệt là với các cơ sở ngoài công lập cung cấp các dịch vụ chăm sóc trẻ em. Đây là vấn đề nhức nhối mà lãnh đạo Uỷ ban Quốc gia về trẻ em đã từng đề nghị Bộ Y tế nghiên cứu sâu hơn.
Hiện nay có 27 phương pháp can thiệp khuyết tật tự kỷ được công nhận và có bằng chứng khoa học xác thực. Bộ Y tế của Australia, Singapore, Anh và nhiều nước khác đã công khai danh mục các phương pháp này. Vậy tại Việt Nam, có nên làm như vậy để cộng đồng có thể nhận biết đâu là phương pháp đáng tin cậy, đâu là những phương thức cần tránh khi chăm sóc trẻ tự kỷ?
Đại biểu Ngô Thị Kim Yến, Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng. |
Trả lời câu hỏi này của PV VOV.VN, đại biểu Ngô Thị Kim Yến cũng cho rằng, đây là trách nhiệm của Bộ Y tế và Viện Tâm thần Trung ương phải có trách nhiệm tham mưu cho Bộ Y tế để có một chương trình rõ ràng, cụ thể.
“Thứ nhất là phải có hệ thống phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng cho nhu cầu về điều trị trẻ tự kỷ. Thứ hai, về mặt truyền thông, Bộ Y tế vẫn là cơ quan chịu trách nhiệm. Sau khi tiếp nhận những thông tin khoa học từ các nước, Bộ Y tế phải là cơ quan sàng lọc để lấy những thông tin phù hợp tuyên truyền cho người dân. Tôi nghĩ rằng, vai trò của Bộ Y tế rất lớn vì vấn đề liên quan đến sức khỏe không thể để thả nổi và để cho xã hội tự phát”, bà Yến nói.
Cũng công tác trong ngành y tế, Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP HCM) nhận định, nhu cầu chăm sóc trẻ tự kỷ là lớn, trong khi ngành y tế lúc nào cũng quá tải nên chưa có một chính sách nào cho vấn đề này. Ngay cả chuyện tự kỷ có phải là bệnh hay không vẫn còn đang tranh cãi.
“Tôi không đồng tình với việc chăm sóc trẻ tự kỷ mà chưa có phương pháp rõ ràng. Việc chăm sóc chung với những người bị bệnh khác, đôi khi còn khiến tình trạng của trẻ tự kỷ trầm trọng hơn. Nó chứng tỏ nhiệt tình không thôi là không đủ”, bà Lan nhấn mạnh.
Với những sự việc xảy ra tại Trung tâm Tâm Việt, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, xây dựng những trung tâm chăm sóc cho trẻ là điều hoan nghênh, nhưng nhất thiết phải có ý kiến chuyên môn khi chăm sóc trẻ.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Đoàn ĐBQH TP HCM. |
“Nếu không đúng phương pháp thì càng ngày tình trạng của trẻ càng tệ hơn. Hay khi có sự cố xảy ra thì không thể đem tâm huyết đó ra chịu trách nhiệm được. Không biết thì không được chữa cho trẻ. Tôi nghe nói đến việc, họ lấy tâm huyết để phát triển những kỹ năng đặc biệt của trẻ như làm xiếc. Nhưng với trẻ tự kỷ, việc cần là làm sao để trẻ hòa nhập với xã hội, để trẻ phát triển bình thường. Chúng ta ở đây không cần thiên tài, làm như vậy sẽ không khác gì bóc lột trẻ con. Nhiều thiên tài chưa chắc muốn làm thiên tài, họ chỉ muốn cuộc sống bình thường, yêu thương cha mẹ. Chỉ được một vài trường hợp không thể nói thay cho tất cả. Như vậy là quá chủ quan. Các chuyên gia không ai “vỗ ngực” nói là chữa được bệnh tự kỷ, nhưng làm sao cải thiện được tình hình. Không thể có chuyện trẻ bị tự kỷ đưa đi chữa lại thành thần đồng với thiên tài. Chỉ cần con bình thường là bố mẹ đã mừng lắm rồi”, bà Lan nói./.