Khuyến khích làm hồ sơ khuyết tật/bệnh án

Từ ngày thành lập đến nay (2016), trường Tiểu học An Hưng (P. Dương Kinh, Hà Đông) luôn tiếp nhận trẻ tự kỷ đúng phân tuyến. Hiện tại, trường An Hưng có 6 trẻ tự kỷ đang theo học hòa nhập, mỗi lớp sĩ số 47 học sinh được bố trí từ 1-2 cháu là trẻ đặc biệt.

Mỗi phụ huynh có con là trẻ đặc biệt khi tới trường, nếu bố mẹ chia sẻ thể trạng của con ngay từ khi nhập học hoặc qua quá trình giảng dạy, giáo viên thấy cháu nào có những biểu hiện khác với các bạn trong lớp thì sẽ gặp gỡ và vận động phụ huynh tìm hướng đi cho các con.

Bà Cao Lan Hương, Hiệu trưởng trường Tiểu học An Hưng chia sẻ: “Việc vận động gia đình làm hồ sơ cho con là cả một quá trình khó khăn. Bởi lẽ chúng tôi hiểu tâm lý của người mẹ, ai cũng muốn đứa con của mình chào đời được trọn vẹn nhất. Vì thế khi trao đổi cùng phụ huynh, trên tinh thần cha mẹ học sinh cùng đồng hành với nhà trường, nhìn nhận thực tế vấn đề tìm hướng để giúp đỡ chứ không phải phân biệt hay kì thị các con. Và bộ hồ sơ này chỉ có hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh biết.

Nếu như cha mẹ các con “buông” tay thì đứa đứa trẻ đó sẽ hỏng. Bản thân tôi nghĩ rằng, với một đứa trẻ mắc chứng tự kỷ, đến một lúc nào đó con vẫn có thể bắt nhịp được, nhưng bắt nhịp theo chính khả năng của bạn ấy chứ không thể so sánh với các bạn bình thường khác”.

Tại trường Tiểu học Dịch Vọng A, năm 2019, có 3 bạn có dấu hiệu tự kỷ bị “đúp” lại lớp 1, bởi con không đạt được kết quả học tập của nhà trường đề ra. Bà Ngọc Mai, Phó Hiệu trưởng chia sẻ: “Ở trường chúng tôi, nếu các con học chậm hơn so với các bạn thì sẵn sàng cho học lại lớp. Với trường hợp 3 cháu này, cha mẹ không chia sẻ với giáo viên rằng con mình gặp khó khăn trong học tập, không nhìn nhận đúng khả năng của con nên kết quả học tập của các con vẫn được đánh giá như những bạn bình thường trong lớp. Khi con không có hồ sơ khuyết tật làm sao chúng tôi đánh giá con theo mức học bình thường được, như vậy sẽ thật thiệt thòi cho con.

Vì thế, có những trường hợp, chúng tôi phải gặp gỡ phụ huynh để trao đổi trực tiếp. Khi con đã được bác sỹ hay các chuyên gia ở trung tâm xác định mắc hội chứng tự tỷ thì nên có hồ sơ cho nhà trường. Đây là việc tốt cho con, phụ huynh cùng nhà trường phối hợp để cùng tìm ra mặt mạnh, yếu của trẻ và đưa ra phương pháp đánh giá phù hợp với từng khả năng của con”.

Giáo viên đi kèm

Tự kỷ có nhiều dạng, có những bạn tiếp thu tốt, đọc được, viết được nhưng không có năng lực làm toán. Hay cũng có những trường hợp làm toán rất giỏi mà đọc viết thì lại không thể. Ở mỗi bạn này có những nét đặc biệt khác nhau. “Ở trường An Hưng có 3 bạn tự kỷ đang có giáo viên đi kèm. Tôi nhận thấy đây là việc làm cần thiết và tốt cho học sinh. Bởi với một trường công lập, học sinh rất đông, 1 giáo viên chủ nhiệm làm sao có thể quan tâm hết tất cả các bạn được. Hơn nữa, các giáo viên của trường không được đào tạo một cách bài bản về giáo dục đặc biệt nên sẽ không thể có phương pháp dạy riêng như các bạn được đào tạo chuyên biệt. Chính vì thế khi đồng ý với gia đình để giáo viên đi kèm, tôi thấy các con có sự tiến bộ rõ rệt, có những học sinh năm đầu cần cô giáo hỗ trợ, nhưng năm sau lại không cần nữa.

Về phía nhà trường, yêu cầu các cô phải có chuyên ngành về giáo dục đặc biệt và gửi một bộ hồ sơ để có thể quản lý về nhân thân, con người của giáo viên đó. Đồng thời giáo viên hỗ trợ phải thực hiện theo thời gian quy định của trường. Về kinh phí do phụ huynh và giáo viên đó tự thỏa thuận”, bà Lan Hương, Hiệu trưởng trường Tiểu học An Hưng cho biết.

Trường Tiểu học Dịch Vọng A cũng tạo điều kiện để giáo viên đi kèm hỗ trợ trẻ tự kỷ. Cô Ngọc Mai, Phó hiệu trưởng chia sẻ: “Việc cho giáo viên đi kèm ở trong trường tương đối nhiều, bởi có những bạn có biểu hiện tăng động bắt buộc phải có người bên cạnh nếu không sẽ khó đảm bảo sự an toàn của chính bạn đó và các bạn khác. Với những gia đình không có điều kiện về kinh tế mà có mong muốn tìm giáo viên hỗ trợ cho con thì chúng tôi ghép 1 cô với 2 bạn, có thể là 1 bạn tăng động và 1 bạn phổ tự kỷ nhẹ. Sau đó chia sẻ với gia đình về phương án này.

 Trước đây, trường có sự kết hợp với Trung tâm Sao Sáng, mỗi năm nhận 3 - 4 cháu vào học hòa nhập, có thể hộ khẩu ở nơi khác. Đồng thời gửi giáo viên được đào tạo về giáo dục đặc biệt sang trường để đi kèm cho học sinh một buổi, nhà trường chỉ quản lý về mặt hồ sơ, về lương của giáo viên do phụ huynh tự thỏa thuận. Tuy nhiên 3 năm trở lại đây số học sinh tự kỷ của Phường tăng lên nên nhà trường cũng không nhận nữa”.

Quản lý trẻ tự kỷ qua sổ theo dõi

Cũng theo bà Đặng Ngọc Mai, Phó Hiệu trưởng trường Dịch Vọng A, để đảm bảo lượng kiến thức, “ngoài đánh giá theo quy chuẩn hướng dẫn Thông tư 22, 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thì những trẻ tự kỷ sẽ có sổ theo dõi cá nhân và kế hoạch theo dõi cá nhân của năm. Sổ này được xác nhận thông qua nhân viên y tế, của phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm và được nhà trường phê duyệt vào. Mỗi một tháng, các cô sẽ ghi nhận xét đánh giá từng phần một về kiến thức, kỹ năng xã hội, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm để xem tiến độ hòa nhập của các bạn.

Tự kỷ không phải bạn nào cũng học được. Có những cháu qua 2 năm học mới đọc thông viết thạo được, cũng có những cháu đã đến tuổi ra trường nhưng không đọc được gì. Vì thế phụ huynh cũng cần phải chấp nhận, bởi môi trường hòa nhập cho trẻ là cần thiết, ngoài học kiến thức con sẽ học được cách tự phục vụ bản thân, các kỹ năng cần thiết…Cho nên có những cháu vẫn có học bạ, có điểm số như các bạn khác, nhưng cũng có những bạn chỉ có quyển nhận xét (sổ tay giáo dục)”.

Bà Nguyễn Thị Đào – Phó Hiệu trưởng trường Dịch Vọng B chia sẻ: “Với những cháu “đặc biệt” sẽ được đánh giá ở một mức độ nhất định chứ không thể so sánh với các bạn bình thường. Tuy nhiên tự kỷ có nhiều dạng, có cháu học rất giỏi nhưng giao tiếp không được… Dường như các cháu sẽ bị khuyết một phần nào đó, khả năng hợp tác bị hạn chế. Vì thế trong quá trình học, để các cháu có thể hòa nhập được, cô giáo sẽ hỏi những câu đơn giản để con có thể trả lời được và thông qua các nhận xét đánh giá để gửi phụ huynh xem con đang phát triển tới đâu.

Về cơ bản các con sẽ có những đánh giá riêng. Trên phần mềm, các cháu tự kỷ đã có những đánh dấu riêng, do đó, hệ thống sẽ trừ ra không tích vào. Nếu như vẫn tích vào như thường thì làm sao các con đủ điều kiện lên lớp được.

Có những cháu đến trường là để giải quyết về mặt tâm lý cho bố mẹ nhằm cho con có môi trường hòa nhập thực sự, nhưng không phải cháu nào cũng tiến bộ được. Cũng có trường hợp, con chỉ học nửa ngày ở trường, còn nửa ngày sau can thiệp ở trung tâm. Cái này phụ thuộc vào từng phụ huynh và khả năng riêng của từng cháu mà nhà trường vẫn luôn tạo điều kiện và các con vẫn có học bạ bình thường”.

Kiểm tra đầu vào ở trường tư thục

Hầu hết ở trường tư thục, trước khi nhập học, các cháu đều trải qua bài test đánh giá. Thông qua các chỉ số để xem con có khả năng theo được lớp 1 hay không, hay cần nhấn mạnh điểm nào, khó khăn ở đâu để tạo ra kế hoạch giáo dục với cá nhân của bạn đó, nhằm đảm bảo quyền lợi cho con. Tuy nhiên, bài đánh giá cũng chỉ một phần, quan trọng nhất chính là người theo sát, đồng hành cùng con để chia sẻ thẳng thắn với nhà trường tình hình của con.

Bà Nguyễn Thị Quế, Phó Hiệu trưởng trường Thực nghiệm Victory (Hà Đông) cho biết: “Nhà trường luôn quan tâm tới vấn đề làm sao để các con có môi trường học tập tốt, chứ không quá đặt nặng vào mục tiêu giáo dục các con phải đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng như thế này. Việc quan trọng nhất là giúp các con có thể hòa nhập được với các bạn, như kỹ năng giao tiếp, hợp tác… có sự tiến bộ hơn.

Để giúp đỡ các em, trường có phòng tâm lý học đường. Phòng này hướng tới sự quan tâm cho tất cả học sinh trong toàn trường, đặc biệt những em gặp khó khăn về mặt tâm lý. Cũng do đặc thù nên các em cũng cần người hỗ trợ thêm. Để hỗ trợ 1 học sinh như thế nhà trường cũng cần trao đổi với phụ huynh học sinh, để cha mẹ hiểu rằng con đang gặp khó khăn như thế, cần có sự hỗ trợ của giáo viên trên lớp và giáo viên đi kèm./.

 

Bài 1: Chật vật tìm trường cho trẻ tự kỷ học hòa nhập