Trong phiên chất vấn Bộ trưởng bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận chiều 12/6, về chương trình sách giáo khoa (SGK), ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) thắc mắc, để có bộ chương trình SGK hiện hành, Bộ GD-ĐT đã tổ chức dạy thử nghiệm mỗi lớp 4 năm trên một diện khá rộng. 

Trong đợt biên soạn chương trình SGK mới này, Bộ chỉ chủ trương dạy thử nghiệm những nội dung mới và giao việc đó cho các tổ chức, cá nhân biên soạn tự thực hiện.

sach_giao_khoa_uone_hyqt.jpg
(Ảnh minh họa)

Bà Kim Thúy đề nghị Bộ trưởng cho biết, liệu kết quả thử nghiệm do chính tác giả thực hiện và công bố có đảm bảo tính chính xác, khách quan hay không, nhất là khi kết quả đó chịu tác động bởi một cuộc cạnh tranh?

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng, ở đây cần tách ra hai vấn đề khác nhau. Về chương trình chỉ có một bộ và Quốc hội đã giao cho Bộ GD-ĐT chủ trì biên soạn và cả nước chỉ có một chương trình duy nhất. Có nhiều SGK khác nhau và Quốc hội cũng đã giao cho Bộ chủ trì việc biên soạn một bộ SGK và khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong cả nước biên soạn các SGK khác.

Việc biên soạn chương trình SGK này thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương cũng như Quốc hội. Theo đó đổi mới nhưng không phải bỏ tất cả những cái cũ đi mà có kế thừa và bổ sung, hoàn thiện những nội dung thiếu, loại bỏ những cái quá tải, không phù hợp với phương châm của giáo dục mới.

Do đó những cái cũ nhưng vấn tốt, được giữ lại thì không cần phải thực nghiệm nữa. Còn những nội dung mới bổ sung cần có quá trình thực nghiệm. 

Vì sao quá trình thực nghiệm lại giao cho các tập thể, tác giả này triển khai?Bộ trưởng lý giải: “Vì họ(tác giả - PV)mới nắm được ý đồ, ý tưởng. Nhưng họ không làm một mình mà sẽ có cơ chế để có các hội đồng thẩm định; các nhà khoa học, các nhà quản lý giáo dục và các lĩnh vực có liên quan tham gia vào hội đồng thẩm định. Còn việc trực tiếp thao tác, triển khai SGK do các tác giả trực tiếp giảng dạy và sẽ có cơ chế để có sự đánh giá khách quan của các tổ chức, cá nhân có uy tín”.

Kêu gọi các nhà khoa học làm SGK

Bên cạnh đó, ĐB Nguyễn Thị Hương Thảo (Hải Dương) chất vấn giải pháp nào để huy động các nhà khoa học giỏi tham gia xây dựng, biên soạn chương trình SGK? 

Bộ trưởng GD-ĐT cho rằng, Bộ đã kêu gọi, mời các nhà khoa học, chuyên gia, nhà giáo cả trong và ngoài nước để cùng tham gia; qua đó tiếp thu những gì tốt nhất, phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Trong quá trình thử nghiệm, thẩm định chương trình SGK, sẽ tiếp tục huy động đội ngũ này.

Liên quan đến vấn đề này, ĐB Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) cho rằng, tuy phần nào yên tâm về báo cáo của Bộ trưởng về việc triển khai đề án chương trình SGK, đại biểu quan tâm tới 2 đề án về giáo viên và cơ sở vật chất.

Ông Phạm Vũ Luận khẳng định: Cả 3 vấn đề giáo viên, cơ sở vật chất, chương trình SGK đều quan trọng và đòi hỏi phải triển khai đồng bộ. Nhưng con người là yếu tố quan trọng nhất, đòi hỏi phải chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục khi triển khai đề án.  

Bộ trưởng nói: “Việc đào tạo lại giáo viên không thể vội vã được, vì phải làm song hành cùng với chương trình SGK, qua đó kiểm tra được những gì thầy cô đã đáp ứng, những gì còn thiếu thì phải bổ sung. Cả 2 đề án này đều đang được chuẩn bị để song hành với đề án đổi mới”./.