Một trong những vấn đề được đặc biệt quan tâm trong Tờ trình Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông của Chính phủ đó là vấn đề xã hội hóa công tác biên soạn và xuất bản sách giáo khoa phổ thông. Theo tinh thần của Đề án sẽ tiến hành xã hội hóa công tác biên soạn sách giáo khoa phổ thông, Bộ Giáo dục – Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa; các tổ chức, cá nhân biên soạn các sách giáo khoa khác.

quoc_hoi_2_tr_uuqd.jpg
Trong ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã nghe Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông (Ảnh: Quang Trung)
Tuy nhiên trong Báo cáo thẩm tra, các thành viên của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội còn băn khoăn về tính khách quan và sự công bằng giữa Bộ Giáo dục - Đào tạo và các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa khác nếu thực hiện theo phương án của Đề án. Trong khi đó một số chuyên gia, nhà quản lý có đề xuất các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; Bộ Giáo dục và Đào tạo không tổ chức biên soạn sách giáo khoa.

Về vấn đề này, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng khẳng định nhất trí với chủ trương sử dụng nhiều sách giáo khoa cho mỗi môn học và thực hiện xã hội hóa việc biên soạn, xuất bản sách giáo khoa phổ thông một cách hợp lý và có điều kiện. Tuy nhiên, về đối tượng tham gia biên soạn sách giáo khoa, Ủy ban đồng tình với phương án do Chính phủ đề nghị với các lý do:

Thứ nhất, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa để đảm bảo sự chủ động về thời gian công việc và kiểm soát được chất lượng nội dung cần thiết trong quá trình triển khai thực hiện lộ trình, kế hoạch đổi mới chương trình, sách giáo khoa trên quy mô toàn quốc và đồng thời ở cả ba cấp học.

Thứ hai, việc biên soạn song hành một bộ sách giáo khoa cung cấp tài liệu giáo dục để tổ chức dạy học thực nghiệm cần thiết cho việc ban hành chính thức chương trình giáo dục phổ thông.

Thứ ba, mục tiêu vì lợi ích của đông đảo học sinh và vì chất lượng giáo dục phải đặt lên trên yêu cầu công bằng trong kinh doanh nếu có xung đột. Hơn nữa, băn khoăn về vấn đề này có thể xử lý bằng việc bán đấu giá bản quyền bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục - Đào tạo biên soạn cho các nhà xuất bản để phát hành, kinh phí thu được nộp ngân sách nhà nước cũng như việc giao thẩm quyền lựa chọn sách giáo khoa cho cơ sở giáo dục.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định công khai quy trình thẩm định sách giáo khoa khách quan, độc lập; quy định quy trình cơ sở giáo dục lựa chọn sách giáo khoa trên cơ sở bàn bạc dân chủ giữa giáo viên với học sinh và phụ huynh của nhà trường.

Có ý kiến nhất trí với chủ trương xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa, tuy nhiên đề nghị các sách giáo khoa về lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn như: ngữ văn, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân thì Nhà nước vẫn phải trực tiếp tổ chức biên soạn./.