Hôm nay (18/11), với sự chứng kiến của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương, Cơ quan thường trú khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (Đài TNVN) tổ chức trao tặng tiền và cùng gia đình khởi công xây dựng nhà tình nghĩa, tặng thân nhân Nhà báo - Liệt sĩ Nguyễn Nhơn Ái, phóng viên Đài TNVN hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

vov_khoi_cong_1_rxsb.jpg
Khởi công xây nhà nghĩa tình tặng thân nhân Nhà báo - Liệt sĩ Nguyễn Nhơn Ái.

Từ nguồn đóng góp của các đoàn viên công đoàn Cơ quan và vận động các tổ chức, cá nhân trên địa bàn, nhà tình nghĩa được xây tại ấp 3, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, quê hương của Nhà báo - Liệt sĩ Nguyễn Nhơn Ái. Sau khi hoàn thành, căn nhà được bàn giao cho ông Nguyễn Trọng Tân, 63 tuổi (cháu gọi liệt sĩ là chú ruột) vừa làm nơi ở, vừa làm nơi thờ cúng liệt sĩ.
Xúc động trước sự quan tâm của Đài TNVN, ông Nguyễn Trọng Tân bày tỏ: Được Đài TNVN xây tặng nhà tình nghĩa là vinh dự và là nguồn động viên không nhỏ về vật chất cũng như tinh thần đối với gia đình ông. Đây là công trình có ý nghĩa nhân văn, giáo dục con cháu trong dòng họ về niềm tự hào đối với người thân đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Nhà báo - Liệt sĩ Nguyễn Nhơn Ái (còn có tên gọi khác là Nguyễn Văn Phục, bút danh Phục Nguyễn, Việt Phục, Nguyễn Hạnh Nguyễn) sinh năm 1928, tham gia cách mạng từ năm 1951. Ông công tác tại báo “Tiếng súng kháng địch” thuộc Quân khu 9, Nam Bộ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc và công tác tại Phòng Văn nghệ, Đài Tiếng nói Việt Nam.
Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở vào thời điểm ác liệt, Nhà báo Nguyễn Nhơn Ái được Đài TNVN cử cùng đoàn nhà báo trở lại chiến trường miền Nam. Đoàn công tác có Nhà báo Thép Mới (báo Nhân Dân); Phạm Phú Bằng (báo Quân đội Nhân dân) do Nhà báo Thép Mới làm trưởng đoàn. Khi hành quân đến Gia Lai, Nhà báo Nguyễn Nhơn Ái đã hy sinh trong một đợt ném bom rải thảm của đế quốc Mỹ vào tháng 11/1965 mà không tìm được thi thể. Ông hy sinh khi chưa kịp lập gia đình.
Nhà báo - Liệt sĩ Nguyễn Nhơn Ái sinh ra trong một gia đình và vùng đất có truyền thống cách mạng bất khuất. Hai anh trai của ông là liệt sĩ Nguyễn Ngọc Ẩn, hy sinh năm 1967 và liệt sĩ Nguyễn Văn Tòng, hy sinh năm 1970. Mẹ ông - cụ Đỗ Thị Lung (mất năm 1970) được truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Mẹ Việt Nam anh hùng” vì ba con là liệt sĩ. Ngày khởi công nhà tình nghĩa hôm nay cũng đúng vào ngày giỗ lần thứ 47 của Mẹ Việt Nam anh hùng Đỗ Thị Lung.

Xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, quê hương Nhà báo - Liệt sĩ Nguyễn Nhơn Ái hiện có 83 Mẹ Việt Nam Anh hùng (12 mẹ còn sống); hơn 400 gia đình thương binh, liệt sĩ; hơn 1 nghìn người được hưởng chế độ trợ cấp thương binh, bệnh binh; thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng. Đây là địa danh đã từng chiến thắng 75 lượt tiểu đoàn địch trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Với chiến công vang dội của quân và dân Long Mỹ, nhà nước đã xây dựng và xếp hạng cấp quốc gia “Khu di tích chiến thắng Chương Thiện” tại xã Vĩnh Viễn./.