Theo Bộ NN&PTNT, ĐBSCL là vùng đất giàu tiềm năng với sản phẩm chủ lực như: Cây lúa, cây ăn quả và thủy hải sản.  

ĐBSCL có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế  - xã hội, đóng góp 53% sản lượng lương thực, 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng và 70% trái cây của cả nước.

Đạt được kết quả như vậy công tác thủy lợi hết sức quan trọng, góp phần quan trọng trong cải tạo đất, biến hàng triệu ha đất chua phèn, nhiễm mặn thành đất cho năng suất cao. Thủy lợi đã góp phần phục vụ cho nuôi trồng của  vùng.  

Xác định tầm quan trọng của công tác thủy lợi, từ năm 1996 đến nay Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều dự án dài hạn để phát triển thủy lợi, giao thông và xây dựng cụm tuyến dân cư và đê bao chống lũ phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh

Tại hội nghị, các đại biểu tham dự đã tập trung đánh giá lại hiệu quả của hệ thống thủy lợi ở ĐBSCL, đồng thời làm rõ tác động quy hoạch thủy lợi với môi trường; vấn đề tranh chấp môi trường mặn – ngọt trong nuôi tôm, trồng lúa; tình hình sạt lở bờ sông, đê biển và việc quản lý khai thác công trình thủy lợi…

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đánh giá cao nỗ lực của các địa phương trong việc thực hiện các dự án được quy hoạch ở ĐBSCL.

Bộ trưởng yêu cầu các Bộ, ngành Trung ương,  chính quyền địa phương vận hành và sử dụng có hiệu quả các hệ thống thủy lợi. Các địa phương cần tập trung hoàn thành sớm các công trình thi công đang dang dở, phát huy hiệu quả từng công trình, chú ý hệ thống nội đồng; Tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong công tác quản lý trên lĩnh vực thủy lợi…/.