Trong khuôn khổ hoạt động của Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL 2012, sáng nay (7/12), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ trì phối hợp với các Bộ ngành trung ương, Ban chỉ đạo Tây Nam bộ và UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội thảo “Rà soát cơ chế, chính sách đối với các mặt hàng nông sản chủ lực ĐBSCL”.

Sau hơn 25 năm đổi mới và 10 năm thực hiện Nghị quyết 21 về “phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng vùng ĐBSCL”, khu vực này càng khẳng định vị thế là vùng chủ yếu đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hàng hóa của cả nước.

ĐBSCL luôn khẳng định vai trò quan trọng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thủy sản. Trong đó, sản xuất hơn 50% sản lượng lúa, đóng góp 90% lượng gạo xuất khẩu, cung cấp 70% lượng trái cây, 50% sản lượng thủy sản của của nước.

Tuy nhiên, bên cạnh sự cố gắng trong phát triển, ĐBSCL đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong công tác phát huy lợi thế của mình. Đặc biệt, toàn vùng chưa có quy hoạch cho từng sản phẩm thế mạnh và còn thiếu những cơ chế chính sách mang tính toàn diện và đột phá nhằm tạo động lực cho việc phát triển các sản phẩm nông sản hàng hóa chủ lực một cách bền vững.

GS. TS Nguyễn Quang Thuấn, Phó chủ tịch Viện khoa học xã hội Việt Nam chỉ rõ, ĐBSCL cần một chiến lược, cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp ĐBSCL mang tính đột phá, cụ thể hơn trong định hướng phát triển KT-XH giai đoạn 2011-2020. Điểm nghẽn của ĐBSCL chính là ở 3 khâu đột phá về thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực.

Tại hội thảo, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm và thảo luận là cần quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác rà soát lại toàn bộ cơ chế chính sách đang có hiệu lực thi hành; đồng thời đề xuất ban hành những cơ chế chính sách mới thực hiện trong kế hoạch phát triển ngành của vùng giai đoạn 2011-2020.

Vấn đề đặt ra là nhằm đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực phát triển kinh tế nông thôn, hình thành mối liên kết sản xuất, quản lý sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm chủ lực lúa gạo, thủy sản và trái cây theo chuỗi để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh nông thủy sản.

Bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, cần tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách, bởi nhiều chính sách đã được ban hành nhưng riêng tại ĐBSCL cần có những chính sách đặc thù.

“Nhiều cơ chế chưa phù hợp và thiếu thực tế, do vậy cần nghiên cứu bổ sung sửa đổi để đảm bảo cho sự hoàn thiện. Cơ chế, chính sách chỉ đi vào cuộc sống khi trải qua thực tiễn. Từng bước Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp để báo cáo với Chính phủ để hoàn thiện cơ chế, tạo sự phát triển bền vững cho ĐBSCL” – Bà Nguyễn Thị Xuân Thu nhấn mạnh ./.