Sáng 13/10, trong giờ phút đoàn xe chở linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi trên những tuyến đường ở Hà Nội, người dân đứng hai bên đường đã bật khóc nức nở, dâng nén tâm nhang tiễn biệt người anh hùng vĩ đại của dân tộc. Nhiều người cầm chặt di ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, miệng nghẹn ngào "Bác ơi" khiến ai cũng xúc động.
Bạn Nguyễn Ngọc Điệp (Quỳnh Lưu -Nghệ An), nghẹn ngào nói: Tôi có mặt ở Lăng Bác từ lúc 6h sáng để chờ đến giây phút xúc động này. Tôi đến đây chỉ với một tâm niệm được nhìn lấy Đại tướng lần cuối, được chứng kiến lễ tiễn đưa Người về với đất Mẹ. Tôi cũng đã kịp lấy điện thoại di động ra quay lại khoảnh khắc đoàn xe chở linh cữu Đại tướng đi để về nhà để những người dân ở quê tôi cùng xem, vì họ không có điều kiện ra Hà Nội để đưa tiễn Đại tướng”.
Người dân cầm theo di ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngồi chờ đoàn xe chở linh cữu Đại tướng đi qua (Ảnh: Kim Anh) |
Lặng nhìn đoàn xe chở linh cữu Đại tướng đi qua, sư thầy Thích Diệu Tâm (trụ trì chùa Am Cây Đề - phố Sơn Tây, Hà Nội) đứng cầu nguyện. Sư thầy bày tỏ: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã sống trọn vẹn cuộc đời của một con người vĩ đại, vì dân tộc. Người đã để lại tiếng thơm cho đời, cho con cháu mai sau noi gương và học tập. Ý chí, sự khiêm nhường của người, nối gót theo Bác Hồ, theo con đường của lịch sử để cả thế giới đều cảm thấy nể phục những con người Việt Nam nhỏ bé…”.
Sư thầy Thích Diệu Tâm (trụ trì chùa Am Cây Đề - phố Sơn Tây, Hà Nội) cầu nguyện linh hồn Đại tướng được siêu thoát (Ảnh: Thu Linh) |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp bất tử trong lòng dân
Nghẹn ngào khi nhìn thấy đoàn xe rước linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi qua, người dân đồng loạt đưa tay vẫy chào tiễn biệt Người con ưu tú của dân tộc. Bác Thoát (Tràng Tiền, Hà Nội) xúc động nói: “Sự ra đi của Đại tướng là mất mát không gì sánh được của gần 90 triệu người dân Việt Nam. Thế nhưng, tôi tin rằng trăm năm hay ngàn năm sau nữa thì tên tuổi ông vẫn còn vang vọng trong mỗi trái tim người Việt một cách rất thật, rất tự nhiên và rất đỗi yêu thương, kính trọng, tự hào. Mong người yên nghỉ nơi quê nhà”.
Dù tuổi đã cao, sức yếu, không tự đi lại được, nhưng cụ Ninh (93 tuổi) ở Hàng Gai – Hà Nội vẫn nhờ người thân đưa ra khu vực Bờ Hồ, đợi xe linh cữu Đại tướng đi qua: "Tôi muốn đưa tiễn bác Giáp trong những giờ phút cuối cùng, vị tướng vĩ đại của dân tộc".
Cụ Ninh (93 tuổi) nhờ người thân đưa ra khu vực Bờ Hồ, đợi xe linh cữu đi qua để tiễn biệt anh hùng của dân tộc lần cuối (Ảnh: Lan Nga) |
Các bạn sinh viên tình nguyện có mặt từ 4h30 sáng tại khắp các tuyến đường nơi đoàn xe linh cữu đi qua. Bạn Trần Đăng Hòa (SV ĐH Nông nghiệp HN) chia sẻ: "Đội SVTN ĐH Nông nghiệp tập hợp từ 3h30 sáng, 4h30 có mặt tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm để phân công công việc. Ngày hôm nay, nhiệm vụ chính của các đội tình nguyện là làm hàng rào "sống” để ngăn cách người dân với khu vực đoàn xe đi linh cữu chở Đại tướng đi qua. Trong giờ phút cả dân tộc tiễn biệt người về với đất Mẹ, được đóng góp công sức nhỏ bé của mình, đảm bảo đoàn xe di chuyển đúng lịch trình khiến tôi cảm cảm thấy mình đã làm được một điều gì đó rất ý nghĩa”.
Giây phút đoàn xe dừng lại trước nhà riêng của Đại tướng tại số nhà 30 Hoàng Diệu - nhiều người đã không cầm được nước mắt. Tất cả mọi người đều chung một tâm trạng buồn thương vô hạn đối với sự ra đi của vị Đại tướng muôn vàn kính yêu của dân tộc. Tất cả mọi người đến đây để mong được lần cuối nhìn thấy linh cữu của Đại tướng, trước khi người về với đất Mẹ Quảng Bình.
Các bạn trẻ ôm di ảnh Đại tướng, nghẹn ngào tiếc thương (Ảnh: Hà Phương) |
Lặng lẽ một góc với lá cờ Tổ quốc in hình Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cùng dải băng đen trên lá cờ, Anh Yên (Hà Đông, Hà Nội) nghẹn ngào chia sẻ những dòng cảm xúc của mình. Ngay từ rạng sáng, anh đã phóng xe máy đến nhà Đại tướng, mong lần cuối được nhìn thấy ông. Anh xúc động nói: “Tôi làm lá cờ này từ đêm hôm qua. Trong trái tim tôi lúc nào cũng in sâu hình ảnh của Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đối với tôi, bác Giáp như một người cha mẫu mực. Khi nghe tin bác mất, tôi đã khóc rất nhiều, cảm hấy hụt hẫng như mất đi người thân trong gia đình”. Đại tướng mãi là tấm gương cho thế hệ trẻ noi theo
Một nhóm bạn trẻ lặng lẽ ngồi ôm di ảnh Đại tướng trong một đêm không ngủ. Các bạn cho biết 8 giờ tối qua đã xếp hàng để vào viếng Đại tướng ở nhà tang lễ, nhưng không có cơ hội được vào bên trong khu vực để linh cữu người. Lúc 0 giờ sáng nay, các bạn đã đi bộ từ nhà tang lễ về nhà riêng Đại tướng. Ánh mắt mệt mỏi sau một đêm không ngủ, song ai nấy đều xúc động trước sự ra đi của Đại tướng, là người ông đáng kính, một Anh hùng dân tộc, là một tấm gương để thế hệ trẻ noi theo.
Trước ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu, người dân lặng lẽ vái vọng tiễn biệt Người (Ảnh: Kim Anh) |
Cụ Trần Thị Thuật, 81 tuổi(Mỹ Đình, Hà Nội) cũng có mặt tại nhà Đại tướng từ 4 giờ sáng nay. Cụ chia sẻ: “Hôm nay tôi đến đây để tiễn bác ra đi về với đất trời. Đại tướng là một người vĩ đại, đã lãnh đạo toàn quân, toàn dân đưa cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi”.
Cựu chiến binh Chu Thị Cậy vừa khóc vừa xúc động nói: Mặc dù đã đi viếng Đại tướng ở cả số nhà 30 Hoàng Diệu và tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, nhưng hôm nay tôi vẫn đến đây từ 5 giờ sáng để chào tiễn biệt người lần cuối. Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn trong tim những người cựu chiến binh. Đại tướng ra đi, tôi dành tất cả thời gian và tình cảm tiễn đưa người về cõi vĩnh hằng”.
Những cảm xúc, tiếc thương của người dân vẫn còn nối dài, nối dài mãi. Đại tướng Võ Nguyên Giáp – người con ưu tú của dân tộc đã về với đất mẹ, nhưng nhân cách và những cống hiến to lớn của Đại tướng mãi in đậm trong lòng dân, mãi mãi lưu danh trong lịch sử dân tộc./.