"Có nên công nhận mại dâm là một nghề?' là chủ đề cuộc toạ đàm do Báo Tiền phong tổ chức chiều 5/4 với sự tham dự của đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Nhà xã hội học - PGS.TS Trịnh Hoà Bình, bà Nguyễn Thanh Cầm - Ủy viên Đoàn chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Luật sư Trần Tuấn Anh - Văn phòng Luật sư Minh Bạch, ông Phạm Ngọc Dũng - Phó trưởng phòng Chính sách, phòng chống mại dâm Bộ LĐ-TB&XH.
Các khách mời tham dự tọa đàm |
Tại Việt Nam, hiện xem mại dâm là tệ nạn, nhưng thực tế mại dâm vẫn tồn tại và có cả hồ sơ quản lý với một số người bán dâm. Theo thống kê của các địa phương, hiện cả nước có khoảng 15.000 người bán dâm có hồ sơ quản lý. Còn theo ước tính của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Việt Nam hiện có khoảng 100.000 người bán dâm, trong đó nữ bán dâm khoảng 75.000 người.
Thực tế đó đặt ra câu hỏi, liệu có nên xem mại dâm là một nghề và cấp phép để quản lý. Hiện Bộ LĐ-TB&XH đang nghiên cứu xây dựng Luật về mại dâm, với các định hướng có thể thay đổi cách nhìn về mại dâm hiện nay.
Theo nhà Xã hội học Trịnh Hoà Bình, công nhận mại dâm là một nghề hay không là vấn đề phức tạp, nhạy cảm. Vấn đề này được xới đi xới lại mà vẫn gây tranh cãi. Chúng ta không nên quá băn khoăn về câu chữ, khái niệm, về việc có công nhận là nghề hay không. Cái cần là phải quản lý.
"Nếu coi là nghề thì phải phát triển nghề, tôn vinh nghề. Sẽ có hàng núi công việc nếu chúng ta không kiểm chứng đầy đủ, không bao hàm được mọi khía cạnh. Mấu chốt là ở chỗ có hợp thức hóa không, có quản lý hữu hiệu không. Chúng ta nên đi từ phòng chống chuyển sang quản lý chặt chẽ", ông Trần Hòa Bình nhấn mạnh.
Quan trọng là vấn đề quản lý
Luật sư Trần Tuấn Anh đưa ra một ví dụ, cách đây vài năm, đoàn thanh tra xuống Đồ Sơn (Hải Phòng) kiểm tra thì báo cáo là không tìm thấy tệ nạn mại dâm. Nếu đưa vào quản lý, thì sẽ có những báo cáo minh bạch.
Dưới góc độ pháp lý, thực ra chúng ta đang tìm cách để quản lý tốt nhất. Chúng ta từng áp dụng nhiều biện pháp nhưng mại dâm vẫn tồn tại. Có thể thành lập một khu vực riêng, nếu hoạt động trong khu vực đó thì hợp pháp, ở ngoài thì bất hợp pháp. Câu chuyện công nhận nghề hay không nghề là phạm vi hẹp, quan trọng là làm cách nào để quản lý.
Ông Phạm Ngọc Dũng cho rằng, mỗi mô hình, mỗi cách quản lý đều có mặt tiêu cực và tích cực, cần phải nghiên cứu rất sâu. Giải pháp hiện thời là giảm thiểu tác hại của hoạt động mại dâm và giảm thiểu tác hại của nghề đối với phụ nữ. Dù ở khía cạnh nào, thì chúng ta cũng phải quan tâm đến việc đảm bảo an ninh chính trị xã hội và giảm thiểu tác hại của mại dâm.
"Dù thừa nhận hay không thì hoạt động mại dâm vẫn diễn ra, vẫn xâm hại đời sống đạo đức. Như vậy, nếu quản lý tốt, định hướng, kiểm soát tốt thì chắc chắn giảm tải tác hại. Có thể coi đó là nghề, nhưng là nghề đặc biệt. Tôi phản đối đặt mã nghề. Vì nếu có mã nghề thì phải có tôn vinh nghề, đào tạo nghề, phát triển nghề. Như vậy sẽ không nghiêm túc. Không gì tốt hơn là nhìn nhận nó như thực thể xã hội", ông Trịnh Hòa Bình nói.
Nên công nhận mại dâm là một nghề đặc biệt
Theo đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng - Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, khi xem mại dâm là một nghề thì đồng nghĩa với việc đồng ý hợp pháp hoá. Cần có cách nhìn khách quan, toàn diện, đừng định kiến về vấn đề này. Ông quan tâm đến ở khía cạnh quyền con người.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng |
"Tôi đề nghị cần có sự điều tra thấu đáo, đánh giá tác động của việc công nhận mại dâm đối với xã hội. Tôi mong các chuyên gia tập trung nghiên cứu từ trong nước, ngoài nước, thậm chí là cả Đông - Tây kim cổ. Riêng đối với tôi, nên coi mại dâm là một nghề đặc biệt, có một quy chế quản lý đặc biệt, như thế sẽ tốt hơn để hoạt động trôi nổi", ông Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.
Vị đại biểu Quốc hội nói thêm, nghề đặc biệt ở đây là phải có đăng ký, phải được cấp giấy phép hành nghề theo dạng đặc biệt cũng như phải khoanh vùng quản lý.
Phát biểu tại cuộc tọa đàm, bà Nguyễn Thanh Cầm, Ủy viên Đoàn chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam nói: "Muốn công nhận hay không công nhận mại dâm là một nghề đòi hỏi một quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng. Riêng Hội LHPN Việt Nam, dù công nhận hay không, chúng tôi chỉ tập trung vào quyền con người. Chúng tôi không bao giờ chấp nhận các hành vi xâm phạm đến quyền lợi, danh dự và nhân phẩm của phụ nữ. Cần có các chế tài, quy định để bảo vệ phụ nữ và cả đàn ông"./.