Thực trạng bất ngờ về tình dục học đường ở Việt Nam hiện nay
Chia sẻ với VOV.VN, ông Trần Thành Nam (Tiến sĩ Tâm lý học trẻ em và vị thành niên - ĐHQGHN) cho biết, điều quan trọng trong giáo dục giới tính và giáo dục tình dục cho trẻ em là hướng dẫn trẻ kỹ năng đẩy lùi tuổi quan hệ tình dục, kỹ năng từ chối khi gặp một số tình huống nguy hiểm, xử lý tình huống bị xâm hại, giao tiếp phù hợp với chuẩn mực của độ tuổi và phòng ngừa các nguy cơ có thể xảy ra.
PV: Ông có nhận xét gì về chương trình giáo dục giới tính ở Việt Nam?
Tiến sĩ Trần Thành Nam: Chương trình giáo dục giới tính bao giờ cũng phải thích hợp với lứa tuổi, phù hợp với văn hóa, dựa trên quyền của trẻ. Trong giới hạn không gian lớp học không đủ cung cấp cho các em về cả thái độ và kỹ năng.
Chương trình giáo dục giới tính của chúng ta còn chưa chắc đã chính xác, các giáo viên nói về vấn đề đó còn ngại ngùng, chưa nói đến thái độ. Do đó, học sinh sẽ cảm thấy đó là điều cấm kỵ, xấu hổ, không dám thắc mắc với người lớn mà chỉ hỏi bạn bè. Kiến thức chưa đầy đủ, thái độ bấp bênh thì các em khó có thể có quyết định đúng đắn.
Tiến sĩ Trần Thành Nam: Khi có các biểu hiện dậy thì, trẻ sẽ bắt đầu quan tâm tìm hiểu các chủ đề như cơ quan sinh dục của nam và nữ, bệnh lây truyền qua đường tình dục, động chạm phù hợp và không phù hợp; mang thai và sinh nở; hẹn hò và áp lực trong quan hệ; bao cao su và thuốc tránh thai; đồng tính và song tính; bản chất tình yêu, thủ dâm, quấy rối, trinh tiết; quan hệ đường miệng…
Bên cạnh những vấn đề chung, mỗi trẻ đều có những câu hỏi riêng và cụ thể. Cha mẹ cần chuẩn bị trước cho những tình huống như thế.
Dưới đây là một số tâm sự thực tế:
- Chán đời quá, học lớp 10 rồi mà mình vẫn không biết cách cưa cẩm trong khi mấy thằng bạn mình đều đã hẹn hò và quan hệ với bao nhiêu đứa.
- Quan hệ đường miệng có an toàn không nhỉ? Liệu có làm mang thai không?
- Tại sao vùng kín mình mọc nhiều lông thế nhỉ, có vấn đề gì khác thường không?
- Sao bố mẹ cứ cấm đoán vì “Con còn quá trẻ”. Chẳng nhẽ từng này tuổi chưa đủ lớn và nghiêm túc sao?
- Mình đã xem phim sex cùng nhóm bạn. Mình cảm thấy rất háo hức và muốn thử.
- Bọn mình yêu nhau và gần đây anh ấy muốn đòi hỏi tiến xa hơn. Liệu mình đã sẵn sàng cho việc quan hệ chưa? Làm thế nào để biết mình đã sẵn sàng nhỉ?
Tất cả những vấn đề này cha mẹ không cần phải là người cung cấp trực tiếp nhưng quan trọng hơn là người tìm nguồn, định hướng nguồn thông tin chính thống và tái khẳng định thái độ với những vấn đề quan trọng.
Ảnh minh họa |
PV: Băn khoăn nhiều như vậy nhưng tại sao các em lại không hỏi cha mẹ, thầy cô?
Tiến sĩ Trần Thành Nam: Một số lý do phổ biến nhất cản trở các em chia sẻ là, thứ nhất, sợ những phản ứng tiêu cực của cha mẹ. Thứ hai là sợ rằng cha mẹ nghĩ mình đã có lỗi lầm gì rồi như đã quan hệ tình dục rồi thì mới hỏi như thế. Thứ ba đơn giản là chẳng biết bắt đầu nói về vấn đề này như thế nào vì chẳng có thời điểm nào thích hợp, bố mẹ luôn bận rộn và chẳng kiên nhẫn để nghe mình một câu.
Cuối cùng, với những kinh nghiệm quan sát trước đây của trẻ, trẻ tin rằng bố mẹ sẽ nổi khùng và chẳng thể hiểu những điều mình nói nên tốt nhất là im lặng.
Chính vì những niềm tin và rào cản như vậy, trẻ sẽ lén lút tìm thông tin qua các trang web người lớn, các nhóm bạn đồng trang lứa. “Hươu” bắt đầu tin và chạy sai đường từ đây.
Cha mẹ đóng vai trò quan trọng nhất trong việc giáo dục giới tính, giáo dục tình dục cho trẻ
PV: Xin ông cho biết vai trò của cha mẹ trong việc giáo dục giới tính cho trẻ?
Tiến sĩ Trần Thành Nam: Với thực trạng trên, cha mẹ không thể lo “vẽ đường cho hươu chạy được” vì cứ dậy thì “hươu sẽ chạy”. Nếu cha mẹ không vẽ đường đúng thì "hươu" sẽ lạc đường chạy sai.
Cha mẹ cần ý thức rằng trách nhiệm giáo dục về mặt giới tính, tình dục đầu tiên thuộc về cha mẹ. Cha mẹ cũng không cần thiết phải là chuyên gia để có thể giáo dục được con. Cha mẹ cũng cần phải hiểu rằng điều quan trọng nhất trong giáo dục con về giới tính và tình dục không phải là kiến thức về nó mà là thái độ về nó.
Trong bối cảnh có rất nhiều thông tin, cha mẹ hãy tự trang bị kiến thức cho mình, biết được mục tiêu của các mốc phát triển của con và mục tiêu cần giáo dục con ở từng giai đoạn, không coi vấn đề này như là một điều cấm kỵ.
Cha mẹ cần nói chuyện một cách bình tĩnh và cởi mở với con về vấn đề này đồng thời duy trì được mối quan hệ thân mật, thường xuyên quan tâm trao đổi với nhau.
Ảnh minh họa |
PV: Khi nào thì cha mẹ cần giáo dục giới tính, giáo dục tình dục cho con?
Tiến sĩ Trần Thành Nam: Mặc dù giáo dục gia đình là rất cần thiết, phần lớn những cuộc nói chuyện giữa cha mẹ và trẻ về vấn đề này thường diễn ra quá muộn. Thế nào là quá muộn? Khi bắt đầu nói về chủ đề này mà trẻ trở nên đỏ mặt, ngượng ngùng, lúng túng tức là chúng ta đã bắt đầu quá muộn rồi.
Do vậy, cha mẹ cần giáo dục giới tính cho trẻ từ sớm, ngay khi trẻ học mẫu giáo. Ngoài ra, nhà trường và xã hội cũng cần thay đổi quan điểm về giáo dục giới tính và giáo dục tình dục, từ đó trang bị cho trẻ em những kiến thức đúng đắn để chất lượng cuộc sống được tốt hơn.
Về vấn đề giới tính, tình dục, cha mẹ cần chia sẻ với con thái độ đối với việc “vượt đèn đỏ” (quan hệ tình dục); giải thích tại sao cần trì hoãn việc “vượt đèn đỏ” đến thời điểm thích hợp.
Bằng chứng nghiên cứu cho thấy, 88% trẻ sẽ trì hoãn các hành vi “vượt đèn đỏ” nếu cha mẹ nói chuyện một cách bình tĩnh và cởi mở với con về vấn đề này đồng thời duy trì được mối quan hệ thân mật, thường xuyên quan tâm trao đổi với nhau.
Qua những câu chuyện gia đình như vậy, trẻ sẽ tự điều chỉnh lại những thông tin sai lệch thu được từ Internet hoặc bạn bè (ví dụ như niềm tin sai lầm rằng tất cả lũ bạn đều đã từng quan hệ tình dục rồi. Thực tế nhiều anh chàng nói bốc lên chỉ để vì chứng tỏ, vì sĩ diện với bạn bè).
PV: Ông có thể gợi ý cụ thể các phương pháp giáo dục của cha mẹ đối với con cái?
Tiến sĩ Trần Thành Nam:Trước tiên, cha mẹ cần tự mình đấu tranh với những niềm tin sai lầm và rào cản bản thân để nói chuyện với con về chủ đề này. Nhận diện những suy nghĩ, niềm tin sai lầm như: Thế này là vẽ đường cho hươu chạy; Nếu mình nói chuyện, con có thể nghĩ mình thoáng và cho phép vấn đề này; Bố mẹ mình có nói chuyện này với mình đâu mà mình vẫn ổn đấy chứ; Chỉ cần chuẩn bị cho con trước đám cưới là đủ chứ gì.
Các biện pháp giáo dục cụ thể:
Xây dựng sự tin tưởng.Có thể giúp trẻ có thêm sự tin tưởng bằng cách nói: Mẹ có thể bận bây giờ nhưng chắc chắn sẽ dành thời gian để nghe con; Mẹ hiểu những cảm giác của con về những băn khoăn này, trước đây mẹ cũng có những băn khoăn như vậy; Mẹ sẽ giữ bí mật nếu con muốn; Mẹ rất vui vì con đã tin tưởng để chia sẻ những chuyện này…
Trao đổi về các giá trị của tình yêu và gia đình. Có thể bắt đầu bằng những câu hỏi trao đổi như: Cha mẹ nghĩ nên trì hoãn việc quan hệ cho đến ít nhất khi con tốt nghiệp Đại học. Con nghĩ sao? Con nghĩ có thể có những hệ quả gì sẽ xảy ra khi quan hệ ở tuổi này? Nếu con nghĩ là tất cả các bạn tuổi con đã từng quan hệ tình dục thì đó là sai lầm đấy, sự thực là…
Khuyến khích sự tự chủ của con. Ở tuổi này con có thể không biết đủ thông tin để ra quyết định đúng đắn – đó là chuyện bình thường. Là cha mẹ, bố mẹ sẵn sàng lắng nghe và giúp con cân nhắc lợi hại trước khi ra quyết định. Con nhớ nhé! Bố mẹ thấy con còn nhiều sở thích, điểm mạnh khác mà, hãy đầu tư thời gian cho nó nhé. Hãy nhớ rằng thời gian cha mẹ ở bên con là sự hỗ trợ khuyến khích giá trị nhất.
Thực hành trước với người bạn đời những nội dung sẽ nói chuyện với con. Cha mẹ cần ý thức rằng chính việc cha mẹ ngượng ngùng, ấp úng khi nói chuyện về chủ đề này với con làm cho trẻ cảm thấy đây là chủ đề cấm kỵ, không nên nói với cha mẹ. Thực hành trước với bạn đời cũng giúp cho cha và mẹ nhất quán trong cách ứng xử và thái độ giao tiếp với trẻ.
Xin cảm ơn ông!./.