Tây Nguyên đang trong đại hạn và tỉnh Đắc Lắc là địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất. Cùng với những cánh đồng khô- lúa cháy, cà phê héo rũ, mỗi ngày lại có thêm những thôn, rơi vào cảnh thiếu nước sinh hoạt. Đáng nói là không ít công trình cấp nước, được đầu tư hàng tỷ đồng, nhưng vì thiếu đồng bộ, đã không phát huy được hiệu quả, giúp dân vượt qua khô khát.

kho_khat_mfvu.jpg
Tây Nguyên khô khát.

Vài năm trước đây, gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc Trâm, ở thôn 4, xã Yang Reh, huyện Krông Bông may mắn đào được giếng nước ngọt. Giữa vùng đất bị phèn nặng, giếng nước gia định chị trâm trở thành nơi trông cậy của cả thôn. Thế nhưng năm nay, giếng này còn không đủ nước cho nhu cầu riêng của gia đình. “Nói chung là trước kia nước thì bình thường, ai tôi cũng cho hết, nhưng bây giờ nhà nào khó lắm  không có để mà ăn thì mới dám cho tại vì nước nhà tôi  cũng hết rồi, như trước kia thì nước rất nhiều tôi cho cả năm cũng được, mấy mùa hạn là cho hết”

Chị Nguyễn Thanh Thảo, người dân thôn 4 cho biết, không có nước, chén bát sau bữa ăn gia đình phải dồn lại nhiều ngày, việc sinh hoạt của gia đình gặp nhiều khó khăn :

 “Mười mấy năm rồi gia đình tôi thiếu nước dùng, một ngày chỉ có khoảng nửa phuy nước để dùng cho việc nấu nướng, còn nước sinh hoạt, giặt giũ là phải ra sông lấy, nước ở sông thì cũng dơ lắm, không sạch nhưng mà không có nước thì cũng phải chịu thôi”.

Theo phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Krông Bông, có khoảng 2 ngàn hộ trong huyện đang rất khó khăn về nước sinh hoạt. Đơn vị đang đề xuất huyện cho phương tiện chở nước bồn tới cung cấp cho dân. Ông Hồ Đức Hoàng, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Bông, nói: “Về phía huyện thì phòng Nông nghiệp đang tổng hợp và đề xuất đối vói những vùng khó khăn về nước như Yang Reh không có nước giếng đào hoặc tập trung thì hỗ trợ cho dân, và các thôn buôn một số tẹc, bồn chứa I nốc 1 đến 2 khối, hoặc là tùy điều kiện từng vùng có thể hỗ trợ phuy nhựa 200 lít hoặc 500 lít để dân tới điểm có nước đem nước về xài”.

Đáng lưu ý, ngoài nguyên nhân hạn hán, thì việc người dân Krông Bông thiếu nước sinh hoạt, còn do sự đầu tư không đồng bộ của huyện ở các công trình cấp nước tập trung. Như ở xã Yang Reh, cách đây 2 năm, UBND huyện Krông Bông đã đầu tư 2 giếng nước khoan để phục vụ nước sinh hoạt cho 4 thôn và 4 buôn với trên 1200 hộ. Nhưng nước bị phèn, hệ thống cấp nước không có bộ lọc, các hộ dân không thể sử dụng.

Ông Ngô Hồng Bạch, thôn trưởng thôn 4, xã Yang Ré, cho biết:  “2 giếng đó hiện tại nước rất là nhiều, nhưng mà bơm hôm nay đến sáng mai chậu đỏ luôn và thấy toàn đất khôn thể dùng được, tưới tiêu người ta không dám tưới vì sợ tiêu chết, lại phải tưới thật xa để nước từ từ thấm vào chứ không dám  tưới trực tiếp, đã thử hết rồi, xây bể lọc rồi bỏ đá bỏ gạch trong đó rồi lại phèn lại thôi, giờ chỉ có loại máy nào lọc được, lọc cho từng khu vực một nếu mình làm nhỏ lẻ mỗi khu vực một máy nhỏ thì được, nếu như làm tổng thể lớn thì kinh phí hơi cao, cái này chỉ có nhà nước chứ nhân dân không thể nào làm được”./.