Từ năm 2001, thành phố Đà Nẵng quyết tâm xây dựng thành phố “5 không”. Trong đó, ngoài các tiêu chí không có người mù chữ, không có người lang thang xin ăn… thì mục tiêu quan trọng là “không có người nghiện ma túy”. Mới đây, quy định về cai nghiện tại cộng đồng và gia đình đã gây nhiều lúng túng cho địa phương này trong quá trình xây dựng thành phố “5 không”.

Theo ông Nguyễn Thanh Chương, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng, trước đây, khi phát hiện đối tượng nghiện ma túy, lực lượng chức năng lập biên bản và chuyển vào Trung tâm cai nghiện tập trung. Thế nhưng, theo quy định mới hiện nay, nếu phát hiện đối tượng sử dụng ma túy, cơ quan chức năng phải theo dõi liên tục trong vòng 72 giờ, nếu ngành y tế kết luận đối tượng nghiện ma túy, muốn đưa lên cai nghiện tập trung thì cần có quyết định của Tòa án Nhân dân cùng cấp. Các thủ tục này mất rất nhiều thời gian, gây khó khăn cho công tác quản lý đối tượng nghiện ma túy tại cộng đồng. Trong khi đó, việc quản lý người nghiện ma túy tự nguyện và bắt buộc tại cộng đồng dân cư cũng còn nhiều trở ngại cho địa phương.

nghien_ma_tuy_eyhc.jpgBắt quả tang đối tượng tàng trữ mua bán ma túy 

Đại úy Ngô Thanh Hà, Đội phó Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng cho biết: Thực hiện theo quy định mới, từ đầu năm đến nay, công tác quản lý đối tượng nghiện ma túy gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, mỗi cán bộ, chiến sỹ trong đội cảnh sát về ma túy của quận phải theo dõi, quản lý 40 đối tượng nghiện tại cộng đồng nên công việc không mấy hiệu quả.

Đặc biệt, việc áp dụng biện pháp hành chính, cai nghiện tại cộng đồng, gia đình một cách tự nguyện hoặc bắt buộc không khả thi. Đã thế, việc đưa đi cai nghiện tập trung lại qua các thủ tục hành chính, mất nhiều thời gian. Chính vì vậy, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn quận Liên Chiểu cũng như một số địa bàn khác, số đối tượng nghiện ma túy tăng nhanh.

Thành phố Đà Nẵng hiện có gần 1.900 người nghiện ma túy; trong đó chỉ có gần 100 đối tượng được cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục dạy nghề 05-06 của thành phố. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, thành phố Đà Nẵng chưa đưa được một đối tượng nghiện ma túy nào vào cai nghiện tập trung tại Trung tâm này. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hưng, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng, việc chuyển từ hình thức cai nghiện tập trung sang cai nghiện tại cộng đồng ở thành phố Đà Nẵng không hiệu quả do chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp chính quyền, ngành chức năng và gia đình người nghiện:

Trước thực tế này, mới đây, Thành ủy, UBND thành phố Đà Nẵng yêu cầu các cơ quan chức năng của thành phố tiến hành rà soát và ban hành quy chế phối hợp giữa các sở ban ngành để rút ngắn thời gian đưa đối tượng nghiện ma túy đi cai nghiện tập trung.

Ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khẳng định: “Đối tượng nghiện ma túy tăng nhưng đi cai nghiện tại Trung tâm thì giảm đáng kể, lý do là theo quy định của pháp luật. Nên bây giờ vận dụng quy định của pháp luật ban hành quy chế phối hợp với mục đích đưa người nghiện sớm vào trung tâm cai nghiện. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc thì lãnh đạo thành phố sẽ chỉ đạo điều chỉnh”.

Hiện nay, thành phố Đà Nẵng tiến hành lồng ghép hình thức cai nghiện tại gia đình và cộng động. Người nghiện được tập trung điều trị tại Trung tâm y tế quận, huyện hoặc Bệnh viện tâm thần. Sau đó đưa về gia đình quản lý và tiếp tục cai nghiện. Thành phố Đà Nẵng chủ động rút ngắn thời gian cai nghiện tại gia đình và cộng đồng xuống còn từ 3 đến 6 tháng (trong khi Luật quy định từ 6 đến 12 tháng). Hành động quyết liệt của thành phố Đà Nẵng đã và đang mang lại những tín hiệu khả quan./.