Theo ông Vũ Hồng Trường - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị Hà Nội (Metro Hà Nội), hoạt động vận chuyển khách trong các ngày qua đều đảm bảo theo chỉ tiêu về chuyến lượt, an toàn vận hành và phòng, chống dịch Covid-19.
“Trong đó, sản lượng vận chuyển thương mại cao nhất là ngày đầu (21/11, Chủ nhật) với 29.334 lượt khách; lần lượt 3 ngày tiếp theo (thứ Hai, Ba, Tư): 11.766 - 12.844 - 12.416 lượt khách”, ông Trường cho hay.
Lãnh đạo Hanoi Metro cho biết, ngày đầu tiên tàu Cát Linh - Hà Đôngchở khách thương mại đạt số lượng vận chuyển cao nhất, song đây là ngày nghỉ cuối tuần nên nhiều hành khách đi tham quan, trải nghiệm, trong đó khá nhiều khách dùng vé miễn phí (người già, trẻ em).
Những ngày tiếp theo, lượng người đi lại giảm hơn, song đối tượng đi lại phần lớn là mua vé trả tiền, đi tàu để phục vụ công việc, sinh hoạt hàng ngày.
Công ty Hà Nội Metro cho biết, giai đoạn này, tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông hoạt động từ 5h30-22h hàng ngày, tần suất 10 phút/chuyến, tổng số có 203 chuyến tàu.
Như vậy, trong 3 ngày bình thường (ngày làm việc, từ 22-24/11), lượng khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông giảm hơn 50% so vơi ngày đầu khai thác thương mại, song ở mức ổn định, dao động ở mức trên dưới 12.000 lượt khách/ngày; trung bình đạt trên dưới 60 khách/chuyến/đoàn tàu.
Trước đó, tàu Cát Linh - Hà Đông chở khách miễn phí 15 ngày (từ 6 - 20/11), với 380.510 lượt khách. Trung bình khách đi vào ngày nghỉ cuối tuần đạt 38.420 lượt/ngày, đi vào ngày bình thường đạt 18.839 lượt/ngày.
Theo lãnh đạo Hanoi Metro nhận định, hiện nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên học sinh, sinh viên trên trục đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa đi học trở lại.
Đây sẽ là đối tượng hành khách sẽ thường xuyên sử dụng tàu Cát Linh - Hà Đông, giúp tăng lượng khách đi lại bằng tàu điện trong thời gian tới.
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông dài 13,05km chạy trên cao, có 12 nhà ga và 13 đoàn tàu được chế tạo cho dự án. Từ nay đến 6/5/2022, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông duy trì biểu đồ chạy tàu từ 5h30 - 22h hàng ngày, tần suất 10 phút/chuyến. Sau đó, tăng tần suất lên 6 phút/chuyến vào giờ cao điểm và 10 phút/chuyến vào giờ bình thường.
Trong những ngày gần đây, khi lưu thông trên tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông, nhiều hành khách tại Thủ đô đã bất ngờ khi thấy ngay dưới chân điểm ga, các hàng quán đua nhau mọc lên lộn xộn, nhếch nhác. Hình ảnh này đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới vệ sinh môi trường cũng như mỹ quan thành phố.
Đặc biệt, từ khi tàu Cát Linh- Hà Đông chính thức vận hành thương mại, việc trông giữ xe máy miễn phí cũng chấm dứt. Lợi dụng việc này, nhiều tổ chức, cá nhân đã tổ chức trông giữ xe máy trái phép, thu tiền giá cao của người dân.
Trong chiều 24/11, liên ngành gồm Sở GTVT Hà Nội, UBND quận Đống Đa, Công ty Metro Hà Nội và UBND phường Ô Chợ Dừa đã họp để đánh giá, đồng thời cấp phép các điểm trông giữ phương tiện cho người dân ở khu vực ga Cát Linh.
Trước đó, Sở GTVT Hà Nội đã có văn bản đề nghị UBND các quận: Đống Đa, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông và Công ty Metro Hà Nội phối hợp rà soát, đề xuất các vị trí để xe đạp, xe máy tạm thời dưới gầm cầu thang lên, xuống hay những vị trí dưới lòng đường, vỉa hè để phục vụ người dân đi tàu, tuy vậy đến nay các địa phương vẫn chưa bố trí được nên mới xảy ra tình trạng lập bãi trông giữ không phép rồi “chặt chém” người dân./.