Theo Công ty Hà Nội Metro, trong ngày hôm qua (22/11, thứ Hai), có 11.766 lượt khách đi trên tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, với 203 chuyến tàu hoạt động từ 5h30-22h; trung bình đạt gần 60 khách/chuyến. Số chuyến lượt tàu chạy đạt theo chỉ tiêu về kế hoạch, đảm bảo an toàn vận tải và phòng chống dịch Covid-19.
Ngày thứ Hai đầu tuần cũng là ngày thứ 2 tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông bán vé, khai thác vận tải thương mại. Kết quả ngày đầu tiên (21/11) có 29.334 lượt khách đi tàu. Như vậy, so với ngày đầu chở khách có thu tiền, số lượt khách giảm gần 60% so với ngày đầu (11.766/29.334 lượt, giảm 17.568 lượt) và cũng là mức thấp nhất kể từ khi tuyến đường sắt này được đưa vào vận hành.
Trước đó, từ 6/11, tuyến tàu Cát Linh - Hà Đông được đưa vào khai thác vận hành và chở miễn phí trong 15 ngày đầu (6-20/11). Trong thời gian này, số lượt khách đi tàu trong các ngày bình thường (ngày làm việc) trung bình đạt 18.839 lượt khách/ngày, ngày cuối tuần (thứ Bảy, Chủ nhật) có 38.425 lượt khách/ngày.
Cụ thể, ông Vũ Hồng Trường - Tổng Giám đốc Công ty Hanoi Metro cho biết, nếu so sánh con số 2 ngày đầu tàu thu phí với 15 ngày trước đó, lượng khách trung bình trong 15 ngày chạy miễn phí với khách đi tàu ngày hôm qua là tương đương nhau, ít hơn không đáng kể.
Đánh giá về lưu lượng khách trong ngày đầu tàu Cát Linh - Hà Đông thu phí, lãnh đạo Hanoi Metro cho rằng, hành khách đi tàu là thực sự, việc thu phí theo mức giá thành phố đã phê duyệt không ảnh hưởng đến nhu cầu đi tàu của người dân tại Thủ đô.
Cũng theo lãnh đạo Hanoi Metro, việc đi tàu của người dân được tập trung vào một số khung giờ, thậm chí bị ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết khi tiếp cận các ga, do vậy số liệu được đưa ra trong thời điểm sáng, trưa, hoặc chiều chưa phản ánh hết, nhìn nhận trung thực về thực tế đi tàu của người dân.
Tổng Giám đốc Hanoi Metro cho rằng, cung cấp dịch vụ vận tải hành khách công cộng là chiến lược bền bỉ, lâu dài, nhằm cung cấp cho hành khách một dịch vụ đi lại ổn định.
"Do vậy, trong một vài khoảng thời gian trong ngày, trong tuần, thậm chí là trong năm, một loại hình vận tải hành khách công cộng nào đó có thể vắng khách nhưng vẫn phải duy trì chạy bình thường theo biểu đồ. Việc này là nhằm “mua” thói quen đi lại của hành khách", ông Trường nói./.
Tuyến đường sắt này được Bộ Giao thông Vận tải bàn giao cho thành phố Hà Nội vào ngày 6/11 và đưa vào vận hành, khai thác miễn phí 15 ngày đầu để người dân trải nghiệm một loại hình vận tải công cộng hiện đại lần đầu có mặt tại Việt Nam.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh-Hà Đông có tổng chiều dài chính tuyến 13,05km, điểm đầu là ga Cát Linh, điểm cuối là ga Yên Nghĩa, có 12 nhà ga trên cao; mua sắm 13 đoàn tàu, tốc độ tối đa 80km/giờ, tốc độ khai thác là 35km/giờ.