Đứng chờ làm thủ tục nhận sim data miễn phí của nhà mạng Vinaphone do VNPT huyện Cư Mgar hỗ trợ ngay tại trường học của con gái, anh Y Rít Kbuôr, một hộ có hoàn cảnh khó khăn ở buôn Sút Mđưng, xã Cư Suê cho biết, sự hỗ trợ này rất ý nghĩa.

Gia đình anh có hai người con đang học tiểu học và trung học, đều học trực tuyến do tình hình dịch bệnh Covid-19 đang phức tạp. Gia đình anh không có điều kiện để nối mạng internet, nếu nạp tiền điện thoại để mở 3G, 4G cho các con học trực tuyến thì rất tốn kém, rất khó đối với hộ nghèo như anh. Với sim miễn phí tốc độ cao được hỗ trợ, nỗi lo về đường truyền cho con học trực tuyến của gia đình anh đã được giải quyết.

 “Đứa lớn học lớp 7, đứa nhỏ học lớp 1. Đứa học buổi sáng, đứa thì học buổi chiều. Học qua điện thoại, mình phải cố gắng thôi. Rất cảm ơn VNPT đã ủng hộ, tài trợ cho bà con ở vùng sâu, để các cháu được học online”, anh Y Rít Kbuôr nói.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm, xã Cư Suê, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk cho biết, với đặc thù ở vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số, rất nhiều gia đình khó khăn và đường truyền cho con học trực tuyến. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh trên địa bàn còn phức tạp, việc học trực tuyến có thể sẽ còn kéo dài. Chương trình hỗ trợ sim data miễn phí của các nhà mạng như VNPT, Viettel cho phụ huynh và giáo viên đã giúp ích rất nhiều cho việc dạy và học của nhà trường.

“Đây là sự hỗ trợ rất đặc biệt, bởi vì hầu như các em khó khăn, mạng internet để học không ổn định. Cho nên sự hỗ trợ này rất tốt cho các em trong vấn đề học trực tuyến, đồng thời, giảm bớt khó khăn phụ huynh”, Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cho hay.

Là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong triển khai chương trình “sóng và máy tính cho em” trên địa bàn, ông Trịnh Văn Dũng, Phó giám đốc kinh doanh VNPT Đắk Lắk cho hay, thông qua Sở Giáo dục và Đào tạo, đơn vị đã tài trợ tiền và hiện vật trên 1 tỷ đồng. Cùng với đó, đơn vị đã bổ sung các trạm phát sóng để đảm bảo sóng cho trẻ em vùng sâu, vùng xa học trực tuyến. Tại các chi nhánh cấp huyện cũng tiến hành hỗ trợ sim data, hỗ trợ gói cước miễn phí tuỳ theo tình hình thực tiễn.

“Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, hầu hết các trường trên địa bàn chưa học tập trung được. Các con em vẫn phải học qua hình thức online và trong số đó thì rất nhiều gia đình các em khó khăn, không có thiết bị, không có đường truyền để tiếp cận việc học. Xuất phát từ đó, thông qua sở Giáo dục- Đào tạo, VNPT đã tổ chức gói hỗ trợ gồm máy tính bảng và sim data, gói hỗ trợ này trị giá 1 tỷ đồng”, ông Trịnh Văn Dũng chia sẻ.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk, sau một tháng rưỡi triển khai chương trình “sóng và máy tính cho em”, đến nay, toàn tỉnh đã nhận được khoản hỗ trợ tiền và hiện vật trị giá hơn 5 tỷ đồng. Trong đó, riêng cán bộ, nhân viên, người lao động trong công đoàn ngành đã quyên góp được số tiền khoảng 4 tỷ đồng cho quỹ “máy tính cho em”. Số còn lại do các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ.

Ông Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk cho biết, tiền và hiện vật đã quyên góp sẽ được chuyển về cho các phòng giáo dục. Căn cứ vào tình hình thực tiễn, các phòng sẽ mua sắm trang thiết bị cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, học sinh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đối với các doanh nghiệp viễn thông chủ động phối hợp với các trường để triển khai các gói hỗ trợ trực tiếp đến phụ huynh học sinh, thầy cô giáo. Hiện, chương trình vẫn đang tiếp tục vận động quyên góp để vận động toàn xã hội tham gia.

“UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở GĐ-ĐT tham mưu kế hoạch để vận động toàn xã hội, các cơ quan ban hành trong hệ thống chính trị cũng như nhân dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tham gia ủng hộ, quyên góp ủng hộ cho ngành giáo dục, cho những học sinh khó khăn, học sinh bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 có thể có được máy tính, thiết bị học trực tuyến tốt nhất, đảm bảo việc dừng đến trường nhưng không dừng việc học”, ông Đỗ Tường Hiệp nói.

Toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có hơn 400.000 học sinh các cấp học, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, học sinh toàn tỉnh đang phải học trực tuyến. Tuy nhiên, theo thống kê của ngành giáo dục, có đến hơn 67.000 học sinh không có thiết bị, đường truyền để học trực tuyến, các trường hợp này hầu hết rơi vào các gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo ở vùng sâu, vùng xa. Sự hỗ trợ của các cấp, các ngành và các doanh nghiệp, nhà hảo tâm thông qua chương trình “sóng và máy tính cho em” đang mang đến niềm vui cho nhiều học sinh vùng sâu, giúp cho việc dạy và học được thuận lợi hơn./.