Trường Tiểu học II xã Kiên Mộc được xây dựng tại thôn Khe Bủng, xã Kiên Mộc, cách trung tâm huyện Đình Lập hơn 20km. Ngôi trường có 100% học sinh là người dân tộc Dao.

Bà Nông Thị Vui, Hiệu trưởng Trường Tiểu học II Xã Kiên Mộc, huyện Đình Lập, chia sẻ: “Hiện ở đây không có sóng điện thoại, nhiều lúc chúng tôi và phụ huynh không thể liên lạc được với nhau. Địa bàn dân cư thì thưa thớt, rất khó khăn trong công tác dạy và học. Các em đi học đa số toàn đi bộ vì phải vượt đồi, vượt đèo thường xuyên. Nếu mà được hỗ trợ trang thiết bị dạy học cũng như được phủ sóng điện thoại sẽ rất tốt cho học sinh và nhà trường, đặc biệt là tại những vùng khó khăn như ở đây. Các em đều rất mong chờ, háo hức đề được học tập và phát triển hơn nữa”.

Qua thống kê sơ bộ, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn hiện có hơn 40.000 học sinh chưa có thiết bị dạy học trực tuyến và còn 2 huyện là Đình Lập và Tràng Định với 7 trường học chưa được phủ sóng internet. Triển khai “Chương trình Sóng và máy tính cho em”, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn đã phát động cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành Giáo dục ủng hộ mỗi người 1 ngày lương; Rà soát các học sinh thuộc đối tượng nghèo, cận nghèo mà chưa có các thiết bị dạy học trực tuyến để lên kế hoạch chuẩn bị.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn cũng phối hợp với VNPT Lạng Sơn kiểm tra, xác định các điểm sóng tại các trường học trên địa bàn để triển khai hạ tầng, ưu tiên đầu tư cho các vùng đặc biệt khó khăn, biên giới; mở rộng và tăng băng thông internet phục vụ việc dạy và học trực tuyến nói riêng, phát triển kinh tế xã hội nói chung.

“Lạng Sơn là tỉnh miền núi biên giới, nhiều huyện trên địa bàn điều kiện về sóng, internet còn rất hạn chế, học sinh ở các vùng sâu vùng xa thì vô cùng khó khăn. “Sóng và máy tính cho em” mang ý nghĩa nhân văn vô cùng sâu sắc, thể hiện sự chung tay của toàn xã hội đối với việc chăm lo cho các em. Đồng thời chương trình này cũng hỗ trợ đội ngũ giáo viên trong việc nâng cao trình độ về công nghệ thông tin, nâng cao công tác tự học tự bồi dưỡng để đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục hiện nay”, bà Hà Thị Thúy Hằng, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Lạng Sơn cho biết./.